Năng động tháo 2 điểm nghẽn, Trảng Bom về đích nông thôn mới
- Chủ nhật - 09/07/2017 09:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một huyện công nghiệp - dịch vụ nên Trảng Bom có lợi thế rất lớn để làm nông thôn mới (NTM) so với một số địa phương trong tỉnh. Thế nhưng, chính lợi thế này lại là điểm yếu của Trảng Bom lâu nay trong việc về đích NTM khi mãi loay hoay với 2 tiêu chí an ninh trật tự và môi trường.
Dứt điểm an ninh và môi trường
Nhờ tái cơ cấu nông nghiệp nên hiện giá trị bình quân thu nhập mỗi ha đất ở Trảng Bom đạt hơn 110 triệu đồng. Ảnh: Ông Đoàn Trung Ngọc thu hoạch thanh long. Ảnh: T.Đ
Cuối năm 2016, xã Hố Nai 3 về đích NTM. Đây là xã gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết 2 tiêu chí an ninh trật tự và môi trường. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom - Vũ Thị Minh Châu nhận định, không riêng xã Hố Nai 3, nhiều xã khác cũng gặp khó trong việc hoàn thành 2 tiêu chí nói trên do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và lượng lao động nhập cư đổ về khá lớn.
Vấn đề của huyện Trảng Bom là nếu muốn được công nhận là huyện NTM phải theo chuẩn mới của Chính phủ, tức là 100% các xã phải đạt chuẩn, chứ không phải 70% như giai đoạn 2010 – 2015. Vì vậy, hỗ trợ xã Hố Nai 3 giải quyết 2 tiêu chí an ninh trật tự và môi trường để về đích NTM, là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của huyện mà còn của tỉnh Đồng Nai.
Chính vì vậy, năm 2014, theo sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an huyện Trảng Bom đã siết chặt an ninh trật tự trên địa bàn xã Hố Nai 3. Một tổ chuyển hóa để tuyên truyền, trấn áp tội phạm được thành lập. Các mô hình khu nhà trọ văn minh, tổ liên gia tự quản… cũng được triển khai. Sau thời gian thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã được cải thiện rõ rệt, các loại tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trộm cắp… giảm hẳn.
Cùng lúc, chính quyền xã Hố Nai 3 cũng tăng cường việc vận động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Theo UBND huyện Trảng Bom, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự, hằng năm Công an huyện và các đoàn thể ở địa phương đã ký kết liên tịch phối hợp tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Hiện, huyện cũng đã quy hoạch tổng thể quản lý, xử lý chất thải rắn đến năm 2030.
Vận động xã hội hóa
Tại Đồng Nai, huyện Trảng Bom dù về đích NTM muộn hơn so với một số huyện khác, nhưng lại là huyện đầu tiên được công nhận huyện NTM theo “chuẩn mới” giai đoạn 2016 – 2020. Ngày 30.6 vừa qua, huyện Trảng Bom tổ chức lễ công bố và đón nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Ngay từ đầu, huyện đã xác định để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM theo chuẩn mới, cần phải phát huy được nguồn lực từ người dân, nhất là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, xác định tầm quan trọng của giáo dục, nên địa phương đã vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ phát triển giáo dục vùng nông thôn.
Theo ông Thể, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được xây dựng trên địa bàn với kinh phí gần 20 tỷ đồng có sự đóng góp khá lớn của Doanh nghiệp Phong Thái. Phần đất để xây dựng trường cũng chính từ sự đóng góp 9.000m2 của người dân địa phương.
Không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở giáo dục, một số doanh nghiệp trên địa bàn còn góp phần hỗ trợ đầu tư đường sá, cơ sở văn hóa. Ông Đào Công Phú – chủ một doanh nghiệp vận tải tư nhân cho biết, ông đang hỗ trợ địa phương hoàn thành 2 công trình giao thông và nhà văn hóa. Với nhà văn hóa ấp Sông Mây có kinh phí khoảng 800 triệu đồng, ông Phú đã đóng góp 100 triệu đồng. Riêng việc nâng chất con đường Sông Mây 8, dài 1km với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, doanh nghiệp này cũng sẽ đóng góp một tỷ đồng để mở rộng và bê tông hóa mặt đường.
theobaodanviet.vn