Nano xử lý chất thải chăn nuôi

Nano xử lý chất thải chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi có vai trò đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tại nhiều địa phương. Để phát triển chăn nuôi bền vững, một vấn đề quan trọng cần giải quyết đó là xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tác động môi trường

nano xử lý chất thải


Tại nhiều cộng đồng dân cư nông thôn, chất thải do hoạt động chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Đặc biệt, ở các khu dân cư có mật độ cao, tình trạng các chuồng trại chăn nuôi xen lẫn trong khu nhà ở làm ảnh hưởng tới các hộ gia đình ở gần là khá phổ biến. Hầu hết các trại chăn nuôi lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải hiệu quả. Nhiều nơi, những phát sinh này đã gây mất “tình làng nghĩa xóm” trong cộng đồng. Do đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi ngày càng trở nên bức bách.
Hiện nay, hầm ủ biogas được đánh giá là công nghệ thích hợp nhất để xử lý chất thải chăn nuôi. Người nuôi sử dụng khí biogas phục vụ nhu cầu năng lượng của gia đình. Nước thải sau quá trình ủ biogas lại là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình sử dụng, biogas tạo ra dư thừa buộc phải thải bỏ gây ô nhiễm môi trường không khí. Nguyên nhân có thể là do người dân không có công nghệ lọc chất độc trong biogas để tận dụng hết lợi ích từ nguồn nhiên liệu tái tạo tuyệt vời này. Các sản phẩm nhập ngoại chất lượng không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, vì vậy, công nghệ hữu ích này lại rất chậm được nhân rộng. 

  

Ứng dụng công nghệ nano

Theo TS. Nguyễn Thành Đồng, Trung tâm Khoa học UniCRE, Praha (Cộng hòa Séc), mặc dù biogas đã đem lại nguồn năng lượng quý cho người dân, nhưng chưa thực sự an toàn, gây ra những khó chịu và độc hại cho người sử dụng. Sau 5 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm châu Âu và thử nghiệm tại Việt Nam, TS. Đồng đã chọn lọc ra được loại vật liệu nano ưu việt để lọc bỏ các khí độc lẫn trong biogas. Có thể nói, công nghệ nano chính là chìa khóa để giải quyết cản trở kỹ thuật trên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hầm ủ biogas ở nông thôn.
Vừa qua, với sự tài trợ của Quỹ Alphanam Green Foundation, trong tháng 6/2017, 250 bình lọc biogas công nghệ nano đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã được triển khai tại 7 huyện: Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Chợ Mới và An Phú (tỉnh An Giang). Theo nhận xét của người dân và cán bộ chuyên trách, qua lắp đặt đợt đầu tại huyện Châu Phú và Châu Thành: “Tuy là sản phẩm công nghệ cao nhưng bình lọc được lắp đặt và sử dụng đơn giản, khí biogas sau lọc rất sạch, không hề có mùi hôi và bụi silic trắng độc hại như trước“. Có thể nói đây là sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực lọc Biogas. Hi vọng trong tương lai, với sản phẩm khoa học này, bà con sẽ có nguồn năng lượng biogas sạch dùng cho nấu ăn, chiếu sáng an toàn và chạy máy phát điện. Không chỉ giới hạn ứng dụng lọc biogas ở quy mô hộ gia đình, sản phẩm hạt lọc nano này có thể ứng dụng ở quy mô công nghiệp. 


Thông tin liên hệ:
TS. Nguyễn Thành Đồng,
Senior Researcher,
Trung tâm UniCRE,
Cộng hòa Séc
ĐT: +420 77347 1089
Gmail: dong.nguyen@unicre.cz.
Phụ trách truyền thông nhóm
Biogas sạch cho An Giang:
Ms. Quỳnh: 0947 527 259

Nguồn: nguoichanuoi.com