"Ngậm bồ hòn... làm ngọt"

"Ngậm bồ hòn... làm ngọt"
Tình trạng "ế ẩm" của hàng nghìn hecta sắn cao sản đang khiến nông dân Phú Thọ lo lắng, trong khi Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc hứa bao tiêu sản phẩm cho bà con vẫn chưa có câu trả lời. Người dân chịu thiệt, trách nhiệm thuộc về ai?

Nông dân Phú Thọ với nỗi lo đầu ra của sắn.

Nông dân “đắng lòng” vì trồng sắn


Chuyện về "chiếc đồng hồ đếm ngược"

Chúng tôi đến Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc với câu hỏi duy nhất: "Trách nhiệm của nhà máy thế nào khi xây dựng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến người trồng sắn?". Với lý do bận họp, lãnh đạo nhà máy từ chối làm việc với phóng viên. Công trường xây dựng vẫn ngổn ngang vật liệu, một số khu nhà xưởng chỉ mới hoàn thành phần khung, cả nhà máy lác đác vài công nhân làm việc.

Người dân địa phương cho biết: "Ngày khởi công, nhà máy cho lắp một chiếc đồng hồ đếm ngược với thời gian hơn 540 ngày (18 tháng) để hoàn thành công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chiếc đồng hồ đã bị gỡ xuống, còn nhà máy vẫn đang "ì ạch" thi công".

Ông Bùi Đức Nhẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, người trồng sắn đang chịu thiệt thòi do Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol chưa đi vào hoạt động như dự kiến. Tuy nhiên, mức độ bao nhiêu thì huyện chưa thống kê được. Hiện, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã chủ động giảm diện tích sắn cao sản (KM94) để hạn chế thiệt hại cho nông dân.

"Thấy nhà máy xây dựng hoành tráng nên bà con rủ nhau trồng sắn chứ không phải theo phong trào, việc này có sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhà máy xây dựng không đúng tiến độ khiến sắn không tiêu thụ được. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc xây dựng chủ trương, dự án chưa chính xác và quá trình đầu tư chậm chạp", ông Nhẫn khẳng định.

Phủi trách nhiệm?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cho rằng: "Từ trước tới nay, kể cả khi chưa có Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol thì diện tích sắn của Phú Thọ vẫn dao động trong khoảng 8.000 ha. Tất nhiên nếu nhà máy đi vào hoạt động thì đầu ra của sắn sẽ thuận lợi và ổn định hơn. Năm ngoái giá sắn có tụt xuống là vì các nhà máy Ethanol không hoạt động, kể cả Tây Nguyên, Lào Cai... chứ không liên quan gì tới Ethanol Phú Thọ".

Còn ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc giá sắn thấp trong vụ trước là do giá trên thị trường giảm chung. Ông vẫn đánh giá cao dự án đầu tư nhà máy bởi là cơ sở để phát triển vùng nguyên liệu tập trung tại 3 huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống cho người dân.

"Thấy giá sắn rẻ, nông dân đổ lỗi tại nhà máy Ethanol chưa thu mua, nhưng thực chất là giá của thị trường. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nhà máy Ethanol chưa thể đi vào vận hành cũng là lý do khiến giá sắn giảm. Nhà máy phấn đấu khoảng tháng 6/2013 đi vào hoạt động, đây là điều kiện để nông dân nâng cao thu nhập, chứ nếu chỉ trông vào hạt lúa thì nghèo vẫn hoàn nghèo".

Những lý giải của lãnh đạo hai sở chuyên ngành tỉnh Phú Thọ mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng chuyện nhà máy lỡ hẹn với dân đã quá rõ ràng, nếu không có lời hứa hẹn của nhà máy, sự chỉ đạo trực tiếp từ tỉnh tới xã thì chắc chắn diện tích sắn trong tỉnh không phát triển nhanh đến vậy. Điều quan trọng là niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của tỉnh, mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp không còn trọn vẹn.

Lãnh đạo chính quyền địa phương từ huyện tới xã thì cho rằng, giá sắn giảm là do việc xây dựng nhà máy chậm tiến độ, lãnh đạo hai sở chuyên ngành của tỉnh Phú Thọ vẫn "bênh" nhà máy, còn nhà máy thì im lặng. Trong khi đó, hàng nghìn hecta sắn cao sản của người dân đã đến kỳ thu hoạch vẫn ngóng đầu ra. Hy vọng các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Duy Phong - Lam Nguyễn

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn