Ngậm ngùi... nông sản sạch
- Thứ hai - 15/01/2018 02:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người chăn nuôi theo mô hình sinh học vẫn trăn trở tìm cách tiêu thụ sản phẩm. |
Số phận còn hẩm hiu
Nhìn những chiếc xe chở đàn lợn sạch rời trang trại và mấy trăm triệu đồng đặt trước mặt mà lòng ngổn ngang tiếc nuối, ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) bùi ngùi: "Với tâm nguyện nuôi lợn sạch phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trước vấn nạn thực phẩm “bẩn” tràn lan..., gia đình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại với quy mô 400 lợn nái, 4.000 lợn thương phẩm/lứa, và nhà máy giết mổ công suất 50 con/ngày - đêm. Hoạt động của trang trại theo chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sản phẩm bảo đảm chất lượng".
Kỳ vọng là vậy, nhưng từ khi trang trại đi vào hoạt động trong hơn một năm qua, vui đâu chưa thấy mà lo lắng thì bộn bề, bởi sản phẩm bán ra chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trong khi đó, đàn lợn đến kỳ xuất chuồng (trọng lượng từ 150kg/con trở lên), không thể kham nổi, trang trại phải bán cho thương lái với giá thấp như lợn nuôi thông thường...
Rời trang trại của ông Nguyễn Trọng Long, chúng tôi tới thăm mô hình sản xuất thịt lợn sinh học ở huyện Phúc Thọ. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ mặc dù tuổi đã cao, nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với việc sản xuất thực phẩm sạch.
Ông Thịnh cho hay: "Trang trại đang nuôi 200 con lợn theo hướng an toàn sinh học. Nuôi lợn sạch lắm công phu, từ chọn con giống tới thức ăn, quy trình giết mổ, sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn nhận diện... Nhưng thật buồn, bởi sản phẩm chưa được người tiêu dùng tin tưởng khiến việc tiêu thụ của trang trại gần như “đóng băng”. Đến ngày xuất chuồng, trang trại đành phải ngậm ngùi bán lợn sạch như lợn thường ngoài chợ hoặc bán cho thương lái với giá rẻ”...
Đó là câu chuyện buồn của những người nuôi lợn, còn những người trồng rau an toàn cũng ưu tư không kém. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nên thời điểm này nông dân rất bận rộn chăm sóc rau để bảo đảm thu hoạch đúng thời vụ. Ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đại Lan, một trong những cơ sở sản xuất rau an toàn ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, chia sẻ: “Chăm rau như chăm con mọn, bởi sản xuất rau an toàn là cả một quá trình vất vả. Người tiêu dùng sử dụng rau ăn bảo đảm an toàn cũng phải mua giá cao hơn rau thường".
Theo ông Đặng Bá Thắng, rau an toàn ở xã Duyên Hà cơ bản bảo đảm chất lượng, nông dân tuân thủ quy trình sản xuất là sử dụng các loại phân vi sinh, hữu cơ, giăng màng lưới ngăn côn trùng, hạn chế sử dụng hóa chất... Rau an toàn của Duyên Hà được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thường xuyên giám sát, kiểm định... Tuy vậy, ông Thắng vẫn tâm tư, bởi rau an toàn Duyên Hà bán trên thị trường giá quá thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Giải pháp tiếp cận người tiêu dùng?
Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo canh cánh của mỗi gia đình, còn sản phẩm sạch, an toàn thì loay hoay tìm hướng tiêu thụ chính là câu chuyện của “cung” không gặp được “cầu”. Ông Đào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc An Việt Food trăn trở: Làm sao để thực phẩm sạch, an toàn thu hút đông đảo người tiêu dùng; thực phẩm sạch phải là nguyên liệu trong bữa ăn hằng ngày của mọi nhà... Vấn đề này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành chức năng trong hỗ trợ đầu tư; tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về thực phẩm sạch, an toàn trong cộng đồng.
Hiện sản xuất thực phẩm sạch, an toàn ngày càng phát triển với giá thành phù hợp cho nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, để giảm bớt vất vả cho người sản xuất, ông Vũ Văn Kỳ, hộ trồng rau an toàn ở huyện Mê Linh cho rằng, các ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh kết nối, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản được sản xuất theo hướng VietGAP; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Về lâu dài, người sản xuất cần tìm giải pháp hữu hiệu nhằm chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đơn cử như cải tiến hình thức nhận diện cho người tiêu dùng dễ nhận biết...
"Nếu sản phẩm được gắn nhãn hiệu, logo VietGAP, các nhà phân phối, đơn vị nhập khẩu và người tiêu dùng sẽ có cơ sở tin tưởng và yên tâm khi sử dụng", ông Kỳ nhấn mạnh.
Là người thường xuyên tham quan, kiểm tra các mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nói: "Làm sao giảm bớt khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong mối quan hệ sản xuất - sử dụng thực phẩm sạch, an toàn? Muốn vậy, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất. Hà Nội đang áp dụng giải pháp truy xuất điện tử nguồn gốc thực phẩm. Việc làm này sẽ nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chuỗi cung ứng nông sản an toàn; đồng thời, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng".
Có thể nói, câu chuyện về những vui - buồn của những người làm thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn không thể kết thúc "một sớm một chiều". Dù vậy, sự vất vả, nhiệt huyết của họ đã, đang đóng góp đáng kể trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn mỗi gia đình và bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Và hơn thế nữa là từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của mỗi người dân với thực phẩm sạch, an toàn.