Ngăn chặn lạm phát mới chỉ giải quyết được phần ngọn
- Thứ sáu - 02/05/2014 22:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghiên cứu của nhóm Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh cho rằng chính sách quản lý tổng cầu không sai nhưng khi sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kiểu Keynes cần ý thức rằng đó là chính sách mang tính ngắn hạn và nhất thời không thể sử dụng lâu dài.
Việc sử dụng chính sách này liên tục từ năm 2007 đến nay khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào vòng xoáy lạm phát – suy trầm và vòng xoáy này ngày càng nhỏ khiến cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế đều yếu. Ngay cả vấn đề lạm phát nếu được giải quyết thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, nguyên nhân sâu xa là do hiệu quả sản xuất, đầu tư thấp và cơ cấu kinh tế lệch lạc.
Một nghiên cứu độc lập từ mức độ lan tỏa của cầu đến sản xuất và thu nhập dường như hỗ trợ cho nhận định trên. Nghiên cứu này chỉ ra cấu trúc của nền kinh tế đang có chiều hướng thay đổi, chuyển từ trường phái Keynes (đường cung nằm ngang - tăng cầu làm tăng cung mà không tăng giá) sang gần hơn với trường phái classical (đường cung thẳng đứng - tăng cầu chỉ làm tăng giá). Nó cũng phù hợp với xu hướng lạm phát trong những năm qua.
Một khả năng để lý giải điều này là sự phát triển về lượng của các nhân tố trong nước như tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên sắp bão hòa. Cho nên, những chính sách khuyến khích cũng cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả chứ không thể tập trung vào mở rộng sản xuất các ngành sử dụng nguyên liệu và lao động thô như trước.
Điều này phải chăng giải thích hiện tượng chỉ số CPI không tăng trong thời gian gần đây khi mà tổng cầu suy giảm 10 điểm phần trăm (năm 2013 so với 2010), trong đó tỷ trọng của cầu tiêu dùng trong GDP không thay đổi trong khoảng 5 năm gần đây nhưng cầu đầu tư giảm mạnh từ khoảng 36% năm 2010 xuống khoảng 26% trong năm 2013. Qua đó cho thấy nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do hiêu quả đầu tư. Với một nền kinh tế mà phía cung cơ bản là gia công thì việc cải thiện về thể chế và thay đổi cấu trúc kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu.
Liệu cơ cấu kinh tế với ưu tiên thứ tự công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp có phải là cơ cấu kinh tế hợp lý và có nên dựa quá nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Kết quả từ nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo không phải là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Nói cách khác, nhóm ngành I (gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) là lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế của Việt Nam và không nên bị thu hẹp. Nhóm ngành này đóng vai trò quan trọng như một điểm tựa cho các lĩnh vực khác phát triển. Các sản phẩm của khu vực này được sử dụng như là đầu vào cho các nhóm ngành II và quan trọng hơn, nó nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho hai phần ba người dân trong cả nước. Trong những năm vừa qua, các địa phương đã xây dựng rất nhiều khu công nghiệp mà chủ yếu là chế biến, gia công trên đất nông nghiệp. Điều này là rất nguy hiểm và cần được chấm dứt.
Các ngành hiệu quả cao, tạo giá trị gia tăng cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm là những ngành có độ lan tỏa kinh tế cao và kích thích nhập khẩu thấp (nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp) chưa được chú trọng một cách phù hợp. Như vậy đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến chính sách trọng cung với ý niệm là tôn trọng phía cung, hướng tới chính sách điều hành nền kinh tế mang tính dài hạn?
Theo Thời báo kinh tế Sài Gò