Ngân hàng Hà Tĩnh chia sẻ gánh nặng với nông dân trong 'bão" dịch

Ngân hàng Hà Tĩnh chia sẻ gánh nặng với nông dân trong 'bão" dịch
DTLCP đang hoành hành ở 16 phường, xã của 4 huyện, thành và đang uy hiếp nhiều địa phương khác. Với địa bàn có dư nợ đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao như Hà Tĩnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những phương án cụ thể “nhập cuộc”, đồng hành cùng bà con nông dân…

Ngân hàng Hà Tĩnh chia sẻ gánh nặng với nông dân trong “bão” dịch

Trước mắt anh Đặng Văn Đoàn là khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng chưa thể trả

Hiện nay, dư nợ tín dụng ngành chăn nuôi lợn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đạt trên 345,84 tỷ đồng. Trong đó, khu vực hộ gia đình, cá nhân cao nhất, gần 141 tỷ đồng, chiếm 42% trong tổng cho vay ngành chăn nuôi lợn. Trong khi, tất cả các điểm bị nhiễm DTLCP đều là các hộ chăn nuôi, hộ gia đình nhỏ lẻ. Nguy cơ tiềm ẩn lây lan và thiệt hại trực tiếp đối với khách hàng vay vốn khu vực cá nhân, hộ gia đình tiếp tục ở mức cao.

Ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết: “Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 1 khách hàng với dư nợ 400 triệu đồng bị thiệt hại. Tuy nhiên, DTLCP vẫn đang lây lan phức tạp, Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, QTDND thống kê dư nợ, theo dõi diễn biến dịch và chủ động biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, cũng như các cơ sở chăn nuôi, cung cấp con giống, phát triển sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế”.

Ngân hàng Hà Tĩnh chia sẻ gánh nặng với nông dân trong “bão” dịch

Chăn nuôi lợn góp phần tăng trưởng dư nợ cho ngân hàng
nhưng cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đặc biệt, mới đây nhất, hiệu lực của Nghị quyết 42/NQ- CP về triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống DTLCP từ ngày 19/6, trở thành cơ sở để các TCTD mạnh dạn đưa ra các giải pháp tối ưu.

Gia đình ông Đặng Văn Đoàn (TDP 6, thị trấn Cẩm Xuyên) đang là hộ chăn nuôi duy nhất có dư nợ bị thiệt hại vì DTLCP. Đã qua 30 ngày kể từ ngày đàn lợn 55 con của anh bị tiêu hủy, cứ đều đặn 2 - 3 ngày một lần, anh vẫn rắc vôi, vệ sinh chuồng trại. Anh hi vọng, cách làm này sẽ “xóa” được dấu vết của đại dịch, làm lại từ đầu trả nợ ngân hàng.

“Khi xây dựng trại chăn nuôi lợn này, tôi đã nợ Agribank Cẩm Xuyên 400 triệu đồng, cứ nghĩ sẽ trả dần sau mấy lứa lợn. Ai ngờ, khó khăn liên tục từ bão giá đến DTLCP. Bây giờ phải bắt đầu lại từ đầu, đây là khoản mà tôi băn khoăn, lo lắng nhất”.

Được biết, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã trực tiếp thống kê và xác thực thiệt hại tại hộ nuôi. Đây là cơ sở để ngân hàng có thể thực hiện các hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, Agribank Hà Tĩnh II cũng sẵn sàng các phương án để đồng hành cùng với người chăn nuôi trong chiến lược dài hơi đối với chăn nuôi lợn.

Ngân hàng Hà Tĩnh chia sẻ gánh nặng với nông dân trong “bão” dịch

Agribank Hà Tĩnh II có dư nợ cho vay đối với chăn nuôi lợn lớn thứ hai toàn tỉnh

Hiện tại, Agribank II là một trong hai ngân hàng có dư nợ cho vay chăn nuôi lợn lớn nhất (55,4 tỷ đồng), chỉ sau Agribank Hà Tĩnh. Ngoài hai “chủ công” này, những năm gần đây nông nghiệp nông thôn nói chung và nhất là chăn nuôi lợn đã “lôi kéo” không ít sự quan tâm của các ngân hàng trên địa bàn. Có 9 ngân hàng tham gia đầu tư; cộng vào đó, hệ thống QTDND cũng “góp” vào trên 54 tỷ đồng cho chăn nuôi lợn.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng có lợn bị thiệt hại do DTLCP có thể được các TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau dịch kết thúc, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Những động thái đã được các ngân hàng căn cơ, không chỉ đối với những hộ chăn nuôi ảnh hưởng trực tiếp mà còn cả chiến lược đầu tư vốn cho ngành chăn nuôi lợn sau “bão” dịch. Tuy nhiên, việc chia sẻ gánh nặng này không thể khả quan nếu chỉ ở một vai ngân hàng. Điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền các cấp, phân cấp trách nhiệm, ngân sách, làm sao để có lợi nhất cho người chăn nuôi nhưng phải bảo đảm được quyền lợi của TCTD.

Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn