Ngành SX, chế biến sữa: Yếu khâu bảo quản

Ngành SX, chế biến sữa: Yếu khâu bảo quản
Thi thoảng các phương tiện truyền thông vẫn đưa tin về một vài sản phẩm sữa bị mốc, thối, có vật thể lạ… khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an.

Trang trại cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chẩn quốc tế.

Theo điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), đa phần lỗi về chất lượng sản phẩm xuất phát từ khâu bảo quản.

Uống sữa "giả tươi"

Những năm gần đây, sản xuất, chế biến sữa được đánh giá là có tốc độ tăng tưởng mạnh nhất trong ngành chế biến thực phẩm ở Việt Nam, với doanh thu trung bình tăng 18%/năm trong giai đoạn 2005- 2009; sản phẩm chủ yếu là sữa đặc, sữa bột, sữa tiệt trùng, sữa chua các loại và một số sản phẩm khác (bổ sung dinh dưỡng, kem, phô mai...). Theo thống kê của Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO), nếu năm 2000 mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam bình quân là 8,09 lít/người thì đến năm 2010 tăng lên 14,81 lít/người.

Số doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tăng trên 23% trong 10 năm qua. Hiện, cả nước có hơn 300 nhãn hiệu sản phẩm sữa các loại với tổng năng lực sản xuất 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường; 101,5 ngàn tấn sữa bột; 778,3 ngàn tấn sữa thanh trùng, tiệt trùng và 150,8 ngàn tấn sữa chua/năm.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam chưa có trang trại khép kín từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa ở quy mô công nghiệp. Nguồn cung nguyên liệu từ nông dân gặp nhiều khó khăn bởi mất nhiều thời gian thu gom và phải di chuyển xa, khiến nguy cơ nhiễm khuẩn cao, chất lượng sữa không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chế biến.

Ngoài ra, các nhà máy chế biến sữa còn thiếu điều kiện về thiết bị, công nghệ để bảo quản lâu dài và an toàn nguồn nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa quy mô lớn phải nhập nguyên liệu để chế biến sản phẩm như: sữa lỏng (sữa tươi, sữa đặc), sữa bột, sữa chua, sữa có đường dành cho trẻ em... Hiện chỉ có hai nhà cung cấp độc quyền vỏ hộp là Tetra Park (Thuỵ Điển) và Combiblock (Đức), đồng thời cũng là hai nhà cung cấp phần lớn dây chuyền sữa ở Việt Nam.

Một số doanh nghiệp sữa còn thiếu trung thực trong sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, cuối năm 2006, hàng loạt công ty đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm (sữa lỏng) khi ghi trên nhãn của mình là "sữa tươi nguyên chất" hay "sữa tươi tiệt trùng", vì nguyên liệu chế biến đều là "sữa gày". Được biết, dòng sản phầm này chiếm 3/4 thị phần tiêu thụ của ngành và thực tế là nhiều năm liền người tiêu dùng phải uống sữa "giả tươi".

72% lỗi do bảo quản

Theo kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong 2 năm qua của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ có chưa đầy 1% nguyên liệu sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất, 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, 18% từ việc sử dụng không đúng chỉ định và 5% chưa rõ nguyên nhân.

Theo ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, nguyên nhân làm cho thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại (vi khuẩn, vi-rút, ký sinh, nấm…) chủ yếu là do nhà sản xuất sử dụng những loại hoá chất, phụ gia thực phẩm không đúng quy định, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng. Việc sản xuất không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý đang diễn ra khá phổ biến. 

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, không phải doanh nghiệp nào cũng lấy việc bảo đảm an toàn sản xuất theo mục tiêu "từ đồng cỏ tới ly sữa" để bảo vệ người tiêu dùng. Ở các dây chuyền sản xuất, chỉ cần lỗi ở một khâu nào đó, sự nguy hiểm sẽ khó lường. Xu thế theo số đông của người tiêu dùng khiến việc chọn lựa sản phẩm sữa thường cảm tính. Do vậy, khi sữa có "vấn đề", người tiêu dùng sẽ đổ trách nhiệm cho nhà sản xuất. Song, "sự cố" từ nhà sản xuất chiếm tỷ lệ rất thấp mà chủ yếu do quá trình bảo quản.

Ngoài ra, các trang trại cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ nguyên liệu cho đến vắt sữa, bảo quản để vận chuyển đến nhà máy sản xuất. Nhà sản xuất, chế biến kinh doanh mặt hàng sữa cần tăng cường hợp tác với đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, áp dụng công nghệ hiện đại và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo có sản phẩm sữa sạch thì nguồn nguyên liệu phải được kiểm tra ngay tại các hộ nuôi, áp dụng chế độ thưởng vào giá thu mua sữa nếu các hộ đảm bảo sữa chất lượng tốt, khi đó sức khỏe của người tiêu dùng mới được đảm bảo. 

 

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam mới phát triển chưa lâu so với thế giới nhưng công nghệ, quy trình hoàn toàn áp dụng của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong số 73 doanh nghiệp chế biến sữa có quy mô từ trung bình trở lên, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ hiện đại. Tiêu biểu trong số đó là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), Công ty sữa TH True Milk…

Mục tiêu cụ thể trong quy hoạch là đến năm 2020 cả nước sản xuất 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ trung bình đạt 27 lít/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 120-130 triệu USD; năm 2025 cả nước sản xuất 3,4 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 34 lít/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

 

Duy Phong

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn