Nghề đơn giản nhưng lại góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở vùng cao
- Thứ tư - 06/06/2018 04:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nét văn hóa riêng
Chẳng giống những gánh hàng rong ở miền xuôi lúc nào cũng trĩu trịt đủ các loại hàng hóa xanh đỏ, đắt tiền... những phụ nữ vùng cao lại gánh trên vai mình các mặt hàng mà nhà mình sản xuất, khai thác được như mớ rau rừng, bó nấm, ống tre đựng mật ong hay vài chiếc khăn piêu, gối gối đầu…
Khoác trên mình bộ váy truyền thống của dân tộc Thái, đầu đội mũ rộng vành, gương mặt xạm đen vì cháy nắng, đôi bàn tay thô ráp, xù xì, bàn chân cáu bẩn vì phải lội qua những con đường đầy bùn đất ở vùng cao là hình ảnh dễ đọng lại trong ta khi bắt gặp những người phụ nữ gánh hàng rong ở vùng cao.
Chẳng cần thúng, mẹt hay xe đẩy, bà con nơi đây chỉ cần chặt 1 đoạn thân tre dài khoảng hơn 1m, rồi đóng đinh 2 đầu, vậy là đã có dụng cụ để trưng bày hàng hóa. Với chiếc đòn gánh ấy, bà con có thể treo lên tất cả các mặt hàng mình muốn như: mớ rau vừa hái ở nương, chiếc ghế mây mới đan hay nhánh lan rừng còn ướt đẫm sương sớm...
Những sản phẩm này sẽ được bó thành từng mớ, dùng chiếc lạt mềm buộc lại rồi treo vào 2 đầu của đòn gánh. Gặp khách mua hàng thì chỉ cần dùng kéo cắt sợi lạt ấy, khách cứ thế cầm về nhà mà chẳng cần phải bọc trong những chiếc túi nilon công nghiệp độc hại.
Với những gánh hàng rong ở vùng xuôi thì tiếng rao là linh hồn, là cách “quảng cáo” sản phẩm không thể thiếu. Nhưng với những người phụ nữ vùng cao, họ có cách giới thiệu rất riêng: Đó là sự giới thiệu trong im lặng.
Các bà, các chị thường đi bán hàng thành từng tốp từ 2 đến 5 người. Họ liên tục di chuyển khắp các ngả đường mà không hề buông ra một lời mời gọi nào, có chăng chỉ là tiếng chuyện trò, cười đùa của chị em trong đoàn với nhau. Đến những khu chợ đông đúc, họ nán lại 1 chút vừa để nghỉ chân vừa để cho khách có thời gian xem và mua hàng.
Việc tập trung thành từng tốp không chỉ giúp các chị thấy vui hơn, yên tâm hơn mà còn để dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong giao tiếp và đi lại. Với nhiều chị em vùng cao, họ chỉ quen nói tiếng dân tộc mình như tiếng Thái hay tiếng Mông, Mường…
Điều này sẽ gây bất lợi khi bán hàng tại các khu vực thành thị, nơi có nhiều người Kinh sinh sống. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi khách đến mua hàng lại nghe thấy các chị xì xào với nhau mấy tiếng dân tộc. Sau đó sẽ có 1 chị thành thạo tiếng Kinh nhất sẽ đại diện bán hàng. Việc mua bán nhanh chóng diễn ra mà khách chẳng cần mặc cả nhiều vì hầu như các chị không nói thách bao giờ.
Thúc đẩy sản xuất phát triển
Đối với các chị em vùng cao, công việc chủ yếu của họ là trồng lúa, tra ngô… trên nương rẫy. Sau vụ mùa, khi ngô đã được gùi về nhà, lúa trên nương đã bén rễ cũng là lúc các chị, các mẹ nhàn rỗi nhất. Lúc này mọi người lại tranh thủ hái quả bí trong vườn, vắt tổ mật ong mới khai thác trong rừng….treo lên đòn gánh đem đi bán.
Bán hàng rong không chỉ là công việc đem lại niềm vui, giúp họ kiếm thêm đồng ra đồng vào lúc nông nhàn mà còn là cách giải quyết đầu ra hiệu quả nhất cho các loại nông sản, hàng hóa. Ở các bản làng vùng cao, nhà nào cũng trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc…
Sản phẩm làm ra dư thừa, đem bán trong bản thì không ai mua vì nhà nào cũng có, chờ tư thương đến thu mua thì hay bị ép giá. Vì vậy, chịu khó đi xa 1 chút, các chị sẽ bán được nhiều hàng với giá cao hơn. Ngày ngày, những thân hình gầy guộc, đen nhẻm cứ len lỏi vào khắp các ngõ phố bất kể trời nắng hay giá rét.
Có hôm vừa bán hết gánh hàng cũng là lúc trời nhá nhem tối còn đôi bàn chân phồng rộp vì phải di chuyển nhiều, nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có thêm tiền mua sữa cho con, bữa ăn có thêm miếng thịt là dường như mọi mệt nhọc không còn tồn tại nữa.
Chị Hoàng Thị Lạn ở bản San (xã Hua La, TP.Sơn La) chia sẻ: “Nhà tôi ở khá xa trung tâm thành phố, nhưng ngày nào tôi cũng gánh rau quả ra đây bán. Rau ngon, sạch nên nhiều người ủng hộ lắm. Gia đình tôi yên tâm trồng trọt mà không lo bị ế nữa.”
Còn chị Cà Thị Mai ở huyện Mai Sơn (địa phương tiếp giáp với TP.Sơn La) cho hay: “Nhà tôi có người đi rừng kiếm được ít mật ong và phong lan. Tôi thường nhờ người nhà chở tới đoạn đường đầu thành phố, sau đó đi bộ để bán hàng. Bữa trưa tôi ăn cơm nắm mang theo, nghỉ ngơi 1 lúc rồi chiều lại đi bán tiếp. Lúc nào bán hết thì tôi gọi người nhà ra đón. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài ba trăm ngàn nuôi các con ăn học.”
Niềm vui, sự phấn khởi từ việc bán hàng đã giúp các chị quên đi những giọt mồ hôi ướt đầm vạt áo, quên đi những ngày mưa tầm tã, quên cá cái nắng cháy bỏng đôi vai. Để rồi, họ lại hăng say lao động, miệt mài với công việc trên nương rẫy, tích cực sản xuất những mặt hàng chất lượng ngon hơn, tốt hơn, phục vụ đông đảo du khách gần xa.
Theo danviet.vn