Nghề thú y ở nông thôn thời nay: Đối mặt vô vàn gian khó
- Thứ năm - 02/05/2019 08:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo chân anh Nguyễn Văn Diệt, thú y trưởng xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) lòng vòng từ thôn Chánh Trực, qua Chánh Trạch rồi về lại Chánh Trực, hết tiêm dê tiêu chảy đến phối giống bò lai, tôi thấy người mỏi nhừ. Nhìn kim đồng hồ sắp giờ ngọ (12 giờ trưa), tưởng được nghỉ, không ngờ anh mời tôi vào một quán nước bên đường, bảo: “Uống ly nước rồi đi Cát Khánh, huyện Phù Cát với tui. Bên ấy còn mấy ca nặng, phải tiêm ngay”.
Thú y viên tiêm heo bị bệnh tiêu chảy. |
Tôi khéo léo từ chối vì tiêm, phối đã thấy hết rồi. Tôi điện thoại cho một người quen khác, hỏi thăm. Rất may, người tôi gọi là anh Nguyễn Ngọc Lâm, thú y viên ở xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) đang chuẩn bị lấy nhau thai đẻ sót cho con bò lai ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân).
Chia tay anh Diệt, tôi cắt đường về hướng núi, đến chỗ anh Lâm. Tại đây, tôi được tận mắt chứng kiến những thao tác lành nghề, đầy vất vả của người làm nghề thú y. Anh Lâm cho biết: “Có xóm, một buổi tôi đi cả chục lần. Vì bệnh tật và người chăn nuôi không hẹn giờ. Lắm khi tôi phải bỏ xe đi bộ. Khổ hơn nữa là lên tới núi rồi mà không biết bò đau nằm tại điểm nào. Điện thoại không có sóng. Chỉ biết hú để người ta hú lại rồi bươn rừng mà đi”.
Nghề nào cũng có cái cực nhưng nghề thú y có nhiều cái cơ cực rất đặc thù. Anh Diệt chia sẻ: “Nhiều nhà không đủ nước dùng, để phân chuồng heo ngập đến cổ chân. Mình phải xắn quần, lội vô. Đã vậy, heo thấy người lạ cứ rấn lên chạy, phân bắn tung tóe. Khi lấy nhau thai đẻ sót, phải hứng trọn mùi hôi thối”.
Bò đá, trâu húc, chó cắn… luôn là mối hiểm họa khôn lường đối với người làm thú y. Mới cuối năm ngoái, anh Nguyễn Đình Hùng – thú y viên xã Mỹ Trinh trong lúc tiêm phòng cho gia súc, do sơ ý đã bị bò đá gãy hai tay, phải nằm viện dài ngày.
Cán bộ thú y trói chân bò trước khi phối tinh. |
Anh Lâm cung cấp thêm một thông tin khá ly kì về hiểm họa trong nghề: “Ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh có con bò đực của ông Hà Tấn Trung biết... phục thù. Năm ngoái, nó bị tuột dậu. Gia đình nhờ tôi đến, quăn dây, riết, vật ngã nó. Tôi mổ sâu, đưa dậu lên rồi may lại. May xong, mở dây, nó bật đứng dậy, cắm thẳng hai sừng vào tôi. Theo phản xạ tự nhiên, tôi lách người sang cây dừa bên cạnh rồi nhảy phóc vào nhà. Mới đây, nó thấy tôi, liền giật phăng dây mũi, phóng từ ruộng lên đường. Tôi hốt hoảng, rấn ga, phóng xe... Nó đuổi theo đến hết xóm Đồng Môn mới chịu quay đầu”.
Đến thôn Vĩnh Phú 8 xã Mỹ Tài (Phù Mỹ), hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Diệp – thú y viên là người ta trỏ tay ra đồng liền: “Bả đang tiêm vịt ngoài kia nè”. Tôi không khỏi ngạc nhiên, vì dưới trời nắng như đổ lửa có một người phụ nữ vẫn lom khom, bì bõm cùng đàn vịt vây trong mành kêu la nháo nhác. Tháo giầy, xoắn quần, tôi lội ra chỗ chị, chào và bắt chuyện.
Vừa làm chị vừa tâm sự: “Thấy đàn vịt của anh Bảy – người thôn trên bội thực nê diều, tôi xót ruột nên tiêm giùm chứ mấy tháng nay tay tôi yếu, không đi làm nghề được”. Hỏi ra tôi mới biết cách đây vài tháng chị bị ngã gãy tay. Nhìn đàn vịt còn hơn nửa chưa tiêm, tôi nghĩ chị còn đứng đây nửa buổi chiều.
Chuyện hành nghề thú y luôn chênh vênh rất thường gặp trong nghề. Anh Diệt bảo: “Hồi giờ tôi băng bó và cõng nhiều con dê gãy chân xuống núi, nhưng có một con đành điều trị tại chỗ. Hôm ấy mới mờ sáng, anh Bốn Thảo ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ đến nhờ tôi lên núi Đá Vảy xử lý giùm con dê nhà anh bị kẹt đá. Tôi vội mang y cụ, xách búa lớn, đi theo anh. Đến nơi, thấy nó kẹt giữa 2 mỏm đá sắc nhọn, tôi dùng búa đập gãy một đụn để nó thoát thân nhưng nó cứ nằm ì. Biết có chuyện chẳng lành, tôi kiểm tra tổng quát và phát hiện bụng nó bị rách, lòi ruột. Không thể chuyển xuống núi, tôi đành khâu vết thương rồi cột nó nằm tại chỗ. Đứng làm trên vách đá cheo leo, dưới kia là vực biển, tôi rợn cả người”.
Nhắc đến vị trí hành nghề, anh Lâm nhớ ngay cảnh đỡ heo đẻ trên sõng trong cơn lũ lịch sử cuối năm 2017: “Lên sõng đã khó, lại còn đau đẻ mà đẻ khó nữa mới khổ chứ. Đó là con heo nái trên tạ của bà Năm Nhi ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh. Chuồng ngập, bà ưu tiên cho nó lên sõng. Mới lên được hơn năm phút, nó khum lưng rặn. Tưởng nó đẻ liền, không ngờ nó cứ đứng suốt.
Nản quá, bà Nhi điện cho tôi. Tôi nhờ hàng xóm chống sõng đưa đến nhà bà. Lúc này trời nhá nhem tối, tôi cột nó vào thành sõng rồi tiến hành lấy con. Nhưng quái thật. Có tôi, nó không chịu đứng, cũng chẳng chịu nằm. Nó cứ ngồi bệt. Tôi xô, đẩy, kéo đuôi, nó vẫn cứ ngồi. Mưa mỗi lúc một lớn, nước và sóng lũ càng lúc càng cao. Tôi càng xô, sõng càng lắc, nước lũ chớp lấy cơ hội cứ tràn vào. Biết không xong, tôi trở tay tiêm cho nó một mũi dục. Thế là mười phút sau nó đẻ”…
Giúp đỡ một ca bò đẻ khó trong đêm |
Nửa đêm, anh Lâm gọi điện rủ tôi đi hồ Hội Sơn (Phù Cát) phụ con bò đẻ khó. Tôi nhận lời. Sau hơn một giờ vượt đường núi, chúng tôi đến được điểm hẹn. Xuống xe, anh Lâm chong đèn, đi thẳng ra rông bò. Nhìn một lúc, anh nói với chủ trại tên Hòa: “Con này đẻ ngược vì móng bê con nằm ngửa. Mũi bò mẹ khô, chắc chắn có sốt. Chú gọi thêm một người nữa đến kéo chứ chú cháu mình không làm được đâu”. Tôi tiếp lời: “Thôi! Để tôi phụ cho”. Anh Lâm mở túi, lấy một cuộn dây dù cột vào hai cổ chân bê con đang thập thò rồi bảo chúng tôi kéo khi có lệnh. Phần anh, anh lo tìm – nắn thật xuôi đầu và chân còn lại để bê con theo lực kéo mà ra. Do bê con thuộc giống BBB, quá to nên chúng tôi phải kéo hết sức mới ra được. Dọc đường về, anh Lâm tâm sự: “Đặc thù nghề này là vậy. Đi sớm, đi khuya, về muộn. Về tới nhà dù mệt mỏi cũng phải lo làm hồ sơ bệnh án. Mình không biết nghỉ lễ. Còn tết, chỉ nghỉ được sáng mùng một”. |