Cần hoàn chỉnh nghị định về PPP
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến của các đối tác về dự thảo Nghị định về PPP ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ: Nghị định PPP được ban hành sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Nghị định được ban hành mà không thu hút được nhà đầu tư nào thì đó là sự thất bại của Chính phủ Việt Nam.
“Việt Nam chậm (ban hành Nghị định PPP-PV) ngày nào thì tụt hậu ngày đó” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ.
Điều đó cho thấy, thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trước đó, tại một hội thảo do Cục Quản lí đấu thầu tổ chức, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lí đấu thầu đã cho biết: Nhu cầu đầu tư cho phát triển lớn nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước rất thấp nên phải huy động tư nhân tham gia. Lượng vốn huy động này vào khoảng 50-60% tổng vốn đầu tư phát triển. Nếu không, chúng ta không thể đủ kinh phí để đầu tư tất cả lĩnh vực mà lĩnh vực nào cũng đều bức bách.
Thế nhưng ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng: Cho đến nay, mức độ đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng vẫn còn rất hạn chế, do khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa đủ hấp dẫn và chưa thuận lợi cho các giao dịch PPP diễn ra.
Luật sư Stanley Boots (Công ty luật Hogan Lovells) cho rằng: Nếu chúng ta chưa có một nghị định hoàn chỉnh mà chỉ có một nghị định dở dang về PPP, thà chúng ta không có thì hơn. Bởi, nhiều nhà đầu tư tư nhân cảm thấy lo lắng khi nhiều vấn đề đưa ra chưa được giải quyết triệt để. Do đó cần phải có những quyết định mang tính táo bạo và dũng cảm.
Băn khoăn sự tham gia của DNNN
Góp ý về sự tham gia của các DNNN trong những dự án PPP, ông Tomoyuki Kimura cho rằng: Cần cân nhắc lại vai trò của DNNN khi tham gia PPP, rủi ro vẫn nằm ở khu vực nhà nước và điều này có thể khiến khu vực tư nhân không thể tham gia các dự án PPP.
Luật sư, cố vấn cao cấp Stanley Boots (Công ty luật Hogan Lovells) cũng bày tỏ quan điểm: Dự thảo Nghị định PPP lần thứ 4 không đưa ra hạn chế nào về sự tham gia của các DNNN. Cho nên cần quy định các hạn chế hợp lý đối với sự tham gia của DNNN, bao gồm: Hạn chế DNNN nhận được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ Chính phủ; Đặt ra hạn chế lên phần vốn chủ sở hữu tối đa mà DNNN có thể tham gia dự án...
“Đây là một vấn đề nóng, làm sao để DNNN được đối xử ngang bằng với khu vực tư nhân - ông Stanley Boots nói - Vấn đề cốt lõi của PPP là huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân. Về bản chất các DNNN đại diện cho nguồn vốn của Nhà nước. Do vậy, nếu không quy định rõ ràng sự tham gia của DNNN, nó có thể cản trở mục đích của PPP.”
Đáp lại những băn khoăn này của các đối tác, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận: Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, hàng hoạt dự án giao thông hiện đang cho DNNN thực hiện, nếu bỏ sự tham gia của DNNN vào các dự án này thì hàng loạt các DNNN này sẽ ra sao. Nhưng nếu để DNNN tham gia thì lại làm mất tính chất của Nghị định PPP là hướng tới nhà đầu tư tư nhân.
Thực tế, hình thức PPP là huy động vốn của tư nhân tham gia, nên về mặt nguyên tắc việc DNNN tham gia vào các dự án PPP là không phù hợp.
Cho nên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Để giải quyết mâu thuẫn giữa thực tế và lý luận, có thể trước mắt chấp nhận sự tham gia của DNNN vào những dự án đang hoạt động, hoặc đang dở dang, còn về lâu dài là không cho phép sự tham gia của các DNNN. Những dự án đang làm dở thì làm nốt, nhưng lâu dài là không cho phép.