Nghi xuất hiện tình trạng nhập lậu lợn Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam

Nghi xuất hiện tình trạng nhập lậu lợn Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam
Gần đây, giá lợn hơi trong nước tăng cao dẫn đến xuất hiện tình trạng lợn hơi nhập trái phép vào thị trường nội địa. Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Trước thông tin thịt lợn giá rẻ không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam qua đường biên giới trên địa phận Quảng Ninh, các lực lượng phòng chống buôn lậu đã tăng cường giám sát và liên tục bắt giữ các xe vận chuyển trái phép.

Theo đó, từ đầu tháng 5 đến nay, lực lượng chức năng Quảng Ninh liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lợn thịt, lợn giống trái phép có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Sáng 6/6, tại bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 (Chi cục QLTT Quảng Ninh) đã phát hiện xe ô tô tải mang biển số 14C – 170.92 do Nguyễn Văn Quảng (SN 1982, trú tại thôn 3, xã Quảng Thành, Hải Hà) điều khiển, vận chuyển 5 con lợn thịt thương phẩm và 8 con lợn sữa với trọng lượng 420kg từ khu vực biên giới vào nội địa tiêu thụ. 

Tiến hành kiểm tra lái xe Nguyễn Văn Quảng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không có giấy kiểm dịch liên quan đến số lợn nói trên. Lực lượng Quản lý thị trường đã lập biên bản xử phạt và tiêu hủy số hàng lậu.

a-1.jpg
Chiếc xe chở lợn nhập lậu bị bắt giữ. (Ảnh: Internet)

 

Trước đó, ngày 31/5, cũng tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, lực lượng chức năng phát hiện xe tải chở 35 con lợn giống do Cao Xuân Bình (SN 1985, trú tại Hải Hà) mua của 1 hộ dân người Trung Quốc giáp biên giới. Ngày 9/5, lực lượng Biên phòng, Hải quan đã bắt giữ xe ô tô tải chở 12 con lợn nái, tổng trọng lượng 1,3 tấn nhập lậu qua biên giới vào trong nước để tiêu thụ.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, có hiện tượng này là do giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong nước vẫn trên đà tăng cao. Để kiếm lời, một số người dân sinh sống ở khu vực biên giới (đặc biệt là xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà và xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái) đã sang Trung Quốc mua và vận chuyển trái phép lợn sống và thịt lợn đông lạnh về nội địa tiêu thụ. Phần lớn số lợn này được mua với giá rất rẻ, thấp nhất khoảng 10.000 đồng/kg, không có giấy tờ kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Công Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng vận chuyển trái phép.

“Không có việc vận chuyển thịt lợn hơi giá rẻ của Trung Quốc vào sâu trong nội địa. Thịt lợn chỉ được bán ở các lò giết mổ tại địa bàn các xã vùng biên giới. Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Hải quan, Biên phòng tăng cường kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển buôn bán thịt lợn giá rẻ của Trung Quốc nhập lậu vào thị trường nội địa”, ông Định nêu rõ.

Chiêu trò lách luật của các doanh nghiệp kinh doanh giống lúa

Không chỉ buôn bán lúa giống trôi nổi, lách luật để thu lợi bất chính, có nhiều DN, đơn vị lợi dụng cả chính sách liên kết, tiêu thụ lúa gạo của Chính phủ; mô hình xây dựng, phát triển cánh đồng lớn để tuồn lúa giống kém chất lượng cho nông dân gieo trồng.

Ông Hứa Sung Kỵ, Phó Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được khá nhiều đơn khiếu nại của nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thị lúa gạo gặp trục trặc, mà phần lớn liên quan đến chất lượng lúa giống.

a-2.jpg
Đoàn liên ngành kiểm tra kho chứa lúa giống của một doanh nghiệp, phát hiện “lúa nguyên liệu” để lẫn với lúa giống có bao bì. (Ảnh: Internet)

Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các DN làm ăn gian dối thường không thông qua ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, mà thường trực tiếp làm với nông dân, không có hợp đồng kinh tế, không có sự tham gia của “4 nhà”, không có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

“Do giá cả nông sản bấp bênh nên nông dân thấy có ký hợp đồng bao tiêu là vội ký, thậm chí nhiều nông dân không phân biệt được lúa giống có phẩm cấp khác với lúa nguyên liệu nên ký đại. Đến khi có sự cố, cơ quan quản lý rất khó can thiệp, hoặc không thể can thiệp vì không có cơ sở pháp lý”, ông Kỵ nói.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm trên tôm


Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa phát đi thông báo gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ven biển phía Bắc, Nam Trung Bộ, ĐBSCL, cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi.


Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển tôm nuôi, như: tăng cường quản lý con giống, khung lịch thời vụ thả nuôi, hướng dẫn, quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững. Các cơ sở và hộ nuôi tôm cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh: phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng; sử dụng vôi bột (CaO) rải quanh bờ ao; tuyệt đối không lấy nước ngoài hệ thống chưa qua xử lý cấp trực tiếp vào ao nuôi; thường xuyên duy trì, ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

50% sản lượng vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ nội địa


Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được mùa với sản lượng dự báo 150.000 – 180.000 tấn cùng chất lượng vượt trội. Nhờ sự nỗ lực, tập trung chỉ đạo của chính quyền địa phương, các sở, ngành, vải thiều Bắc Giang đang tiêu thụ hết sức thuận lợi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, đối với thị trường nội địa, tỉnh Bắc Giang xác định, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Hapro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

a3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Đối với thị trường XK, chúng tôi vẫn duy trì XK quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi tiêu thụ ở thị trường này. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng XK vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường XK khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada… Hiện nay đã có nhiều DN đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU, Trung Đông, Canada và Thái Lan. Năm 2018, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 80.000 – 90.000 tấn, chiếm 50%; XK chiếm 50%”, vị lãnh đạo này nói.

Xuất khẩu rau quả 5 tháng tăng hơn 16%

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 5/2018 ước đạt 304 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2017. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quả ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 7,3%; mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với giá trị 988,9 triệu USD, chiếm 74,3% và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường khác như Mỹ cũng tăng 12,8%; Nhật Bản tăng 16,4% và Hàn Quốc tăng 13,5%.

a-4.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cũng trong tháng 5/2018, Việt Nam nhập khẩu 119 triệu USD các mặt hàng rau quả, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 575 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. 

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam ngày càng được mở rộng tại các thị trường yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, đầu tháng 5/2018, lô xoài ba màu đầu tiên của An Giang đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính Australia sau một thời gian dài đàm phán. 

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại thị trường trong nước, giá cả các loại rau củ quả có nhiều biến động do điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu tăng giảm thất thường.

Thị trường cá tra nguyên liệu vẫn 'nóng' vì nguồn cung khan hiếm


Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 5 tháng qua, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục "nóng" trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. 

Cụ thể, nếu như thời điểm đầu năm giá cá tra dao động phổ biến ở mức 27.000-29.000 đồng/kg thì nay đã thiết lập đỉnh mới với giá từ 31.000-33.000 đồng/kg (cá loại I). 

Trong khi đó, hiện giá cá giống đang phổ biến ở mức từ 75.000-85.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

a6.jpg
Thu hoạch cá tra thương phẩm. (Ảnh: Internet)

 
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với tình hình trên thì nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hạn chế. Tuy nhiên, giá cá tra xuất khẩu đạt từ mức tốt và dự báo có thể kéo dài cả năm 2018./.

 Thanh Tâm   Tổng hợp/kinhtenogthon.vn