Ngư dân Nghệ An thu tiền triệu mỗi đêm từ nghề chụp mực nháy

Ngư dân Nghệ An thu tiền triệu mỗi đêm từ nghề chụp mực nháy
Sáng 8/7, hàng chục tàu cá của ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu về cập cảng với hàng tấn mực nháy có giá trị. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân thu nhập 2 - 3 triệu đồng/chuyến.
Hàng chục tàu cá của ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) về cập bến với hàng tấn mực nháy có giá trị trong sáng 8/7. Ảnh: Việt Hùng

Khác với những tàu khai thác xa bờ, mực nháy được ngư dân đánh bắt gần bờ bằng nghề lưới chụp -  là một trong những đặc sản có giá trị nhất hiện nay. Để săn được loại này, ngư dân thường ra biển từ lúc chiều tối, khai thác trong đêm và sáng ngày hôm sau về cập cảng. Nhờ đó mà con mực chưa qua bảo quản đá lạnh nên vẫn còn tươi và có giá trị cao.

 
Do khai thác sau một đêm là về bờ nên con mực vẫn còn nhấp nháy, tươi sống. Ảnh: Việt Hùng

Ngư dân Nguyễn Văn Hưng làm việc trên tàu cá NA 0187TS cho biết, năm nay con mực nháy khó đánh bắt hơn các năm, tuy nhiên những hôm gặp may mỗi tàu đánh được khoảng 30 - 40 kg, còn ít cũng được từ 15 - 20 kg. Do khai thác sau một đêm là về bến nên con mực vẫn còn rất tươi, thương lái tranh mua bằng được.

“Chuyến đi về sáng nay tàu của tôi đánh được 20 kg mực nháy, trong đó khoảng 4 khay loại to giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, còn 2 khay mực nhỏ giá 150.000 đồng/kg; tổng thu nhập từ bán mực khoảng hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, tàu cũng đánh bắt được nhiều loại cá biển khác với giá trị khoảng 3 triệu đồng nữa" - ông Hưng cho biết.

Do khan hiếm nên thương lái tranh mua mực nháy, giá từ 150.000 - 300.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: Việt Hùng

Xã Tiến Thủy có 328 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 157 tàu xa bờ, còn lại là tàu khai thác gần bờ với đa dạng loại đặc sản như cua, ghẹ, tôm tít, cá đục và đặc biệt là mực nháy. Theo ngư dân cho biết, sau khi ra biển cách đất khoảng 10 - 15 hải lý, chừng khoảng 7 giờ tối, ngư dân sẽ buông lưới để chụp mực. Khoảng 30 phút sau, khi quan sát thấy lưới đã nặng, ngư dân kéo lên và phân loại. Những con mực to cho vào khay, cá biển để riêng khi về bến dễ dàng vận chuyển.

Mỗi ngày, ngư dân xã Tiến Thủy khai thác từ 1,5 - 2 tấn mực, toàn bộ được các nhà hàng thu mua dự trữ phục vụ mùa du lịch biển. Ảnh: Việt Hùng
Chị Nguyễn Thị Lý, một thương lái ở xã Tiến Thủy cho biết, khoảng 6 giờ sáng mọi người tập trung tại bến để thu mua mực. Do dịp này nghề đánh mực không thắng lợi như các năm nên giá thu mua cao gấp 2 lần so với trước. Hiện loại mực con to có trứng loại 1 giá 300.000 đồng/kg, loại 2 giá 270.000 đồng/kg, còn lại loại nhỏ giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.

“Khi thu mua, những con mực đang nhấp nháy, còn sống thì thương lái đều tranh mua, và tên gọi "mực nháy" cũng bắt nguồn từ đó. Loại này được các nhà hàng du lịch ở bãi biển thu mua hết, giá mực năm nay đều cao gấp 2 lần so với năm ngoái” - chị Lý cho biết.

Với hơn 50 chiếc tàu thường xuyên làm nghề chụp mực, sau một đêm ngư dân xã Tiến Thủy đánh được từ 1,5 - 2 tấn mực nháy có giá trị; tất cả sẽ được thương lái thu mua và bán lẻ tại các điểm chợ trên địa bàn huyện.

Sau khi về cập bến nhập hải sản, ngư dân tiếp tục sửa sang lại ngư cụ, chuẩn bị nhu yếu phẩm để tiếp tục ra biển khai thác hải sản, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.