Ngư dân đóng tàu vỏ gỗ cũng được hỗ trợ

Ngư dân đóng tàu vỏ gỗ cũng được hỗ trợ
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã đồng ý sửa đổi, bổ sung nhiều giải pháp mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngư dân theo Nghị định 67 về hỗ trợ phát triển thủy sản. NTNN trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NNPTNT) về các điểm mới này.

Thưa ông, theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, tới đây việc hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 về thủy sản sẽ có nhiều điểm mới. Là cơ quan đề xuất các chính sách này, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

 

Ngu dan dong tau vo go cung duoc ho tro
Đóng tàu vỏ gỗ tại phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh:    Thùy Dương
- Theo Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5, điểm mới là Chính phủ đã có quyết định giao cho UBND các tỉnh tổ chức phê duyệt mẫu thiết kế tàu vỏ gỗ, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Tức là, không chỉ có tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới mà từ nay, ngư dân đóng tàu vỏ gỗ cũng sẽ được hỗ trợ mẫu thiết kế. Còn trước đây, Nghị định 67 đã quy định tàu vỏ thép được hỗ trợ mẫu thiết kế và đối với mẫu tàu vật liệu mới, trong Công văn số 254 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, giao cho Bộ NNPTNT lựa chọn các nhà thiết kế để xây dựng thiết kế mẫu tàu vật liệu mới hỗ trợ ngư dân.

 

Thực tế, nhiều người dân phản ánh có những mẫu tàu lớn hơn mẫu thiết kế của Bộ NNPTNT nên khi triển khai họ không được hỗ trợ, phải bỏ tiền túi ra thiết kế?

 

Quan điểm
Ngu dan dong tau vo go cung duoc ho tro
Ông Nguyễn Văn Trung
 Trong Nghị định 67 có quy định, thời gian vay vốn đóng tàu 10 năm và năm đầu không phải chịu lãi... Nghị quyết của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng quyết định là kéo dài 12 năm hay 15 hoặc 16 năm là do Bộ Tài chính căn cứ vào thực tế để đưa ra đề xuất  
- Theo Nghị định 67, các mẫu thiết kế tàu từ 400CV trở lên mới được hỗ trợ, có những tàu mẫu thiết kế chỉ dài 35-37m, nhưng có những tàu hậu cần, nhu cầu sử dụng của người dân lớn nên họ còn thiết kết lên tới 50m. Bộ NNPTNT khi thiết kế đã lựa chọn đối với các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, mỗi vùng biển này có nghề đặc trưng, cộng thêm mẫu tàu nghề vây đuôi để đưa ra 21 mẫu tàu được sử dụng rộng rãi nhất. Tất nhiên, các mẫu này cũng chưa đa dạng, phong phú để đáp ứng hết được nhu cầu trong thực tế. Do đó, trong Thông tư số 26 của Bộ NNPTNT đã quy định, tất cả các mẫu tàu của ngư dân sử dụng y nguyên thì cứ triển khai, còn nếu muốn thay đổi thì phải mời các công ty thiết kế theo ý muốn của mình và phần chi phí thuê thiết kế đó là ngư dân phải trả. Rõ ràng, Nhà nước không thể thiết kế hàng nghìn mẫu cho tất cả ngư dân được.

 

Trước đây, theo quy định thời gian vay vốn đối với các hộ ngư dân đóng tàu là 10 năm, hiện Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian vay vốn, theo ông cần kéo dài bao nhiêu năm là hợp lý?

- Trong Nghị định 67 có quy định, thời gian vay vốn đóng tàu 10 năm và năm đầu không phải chịu lãi. Tuy nhiên, tàu vỏ thép có độ bền lớn hơn, có thể 10 -20 năm mới hết khấu hao, nếu vốn vay chia ra 10 năm, ngư dân đóng một con tàu khoảng 15 tỷ đồng, thì mỗi năm họ phải trả 1,5 tỷ đồng. Do đó, số tiền để trả nợ của các năm không phụ thuộc với tuổi thọ con tàu và phải trả nợ nhiều quá, nên cũng gây khó khăn cho ngư dân khi tham gia đóng tàu. Nghị quyết của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng quyết định là kéo dài 12 năm hay 15 hoặc 16 năm là do Bộ Tài chính căn cứ vào thực tế để đưa ra đề xuất.

Nội dung được nhiều người quan tâm là cho phép sử dụng máy cũ liệu có xảy ra tình trạng người dân “lách” sử dụng máy chất lượng kém, nguy cơ làm cho Việt Nam trở thành bãi rác. Vấn đề này theo ông vai trò của các bộ ngành cần giám sát như thế nào?

- Hiện một máy mới trên tàu giá cũng tương đối lớn, do đó ngư dân muốn sử dụng máy cũ để trả nợ ít đi và tỷ lệ vay cũng ít hơn. Tuy nhiên, vừa qua có tình trạng sử dụng máy cũ đang lúc gió bão thì xảy ra tình huống mất an toàn, có tàu bị gãy trục cơ, thả trôi, hỏng máy… có thể nguy hiểm tới tính mạng ngư dân. Mặt khác, khi hư hỏng máy thì chuyến đi biển đó chắc chắn là lỗ vốn. Một vấn đề nữa là sử dụng máy cũ khi duy tu, bảo dưỡng sẽ phải chi phí nhiều và đúng là có nhiều địa phương cũng phản đối vì sợ trở thành “bãi rác”. Do đó, Chính phủ đã quyết định rõ là nếu đóng mới tàu thì phải sử dụng máy mới.

Trường hợp nâng cấp tàu cũ thì cho phép sử dụng máy thuỷ cũ, không được sử dụng máy bộ vì có trưởng hợp dùng cả máy của ô tô, máy kéo… tuy rẻ hơn nhưng không phù hợp. Trong đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh là giao cho Bộ KHCN xây dựng tiêu chuẩn (cũ còn bao nhiêu %, có nguồn gốc xuất xứ, nước nhập vào, hãng máy…). Về phần Bộ NNPTNT sẽ xem xét, giám sát và nếu cần sẽ hướng dẫn thêm việc sử dụng máy cũ. Đây cũng là vấn đề vướng mắc đã được Chính phủ tháo gỡ khó khăn khi triển khai Nghị định 67.

Xin cảm ơn ông!

theo danviet