Ngừng xuất khẩu than vì lỗ
- Thứ năm - 26/07/2012 21:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacomin cho biết: “Các đối tác vẫn có nhu cầu mua than của Việt Nam nhưng khi đàm phán, mức giá mà họ đưa ra còn thấp hơn cả giá thành sản xuất. Chúng tôi không dám ký hợp đồng xuất khẩu mới vì ký là lỗ”.
Theo ông Biên, 6 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu than đạt tổng số gần 7 triệu tấn, thì 25 ngày qua của tháng 7, chỉ xuất khẩu được khoảng 250 ngàn tấn. Hiện, các đối tác đàm phán với Vinacomin đang đặt hàng có tổng sản lượng khoảng gần 3 triệu tấn. Trung bình mỗi tháng trong quý III, Tập đoàn có thể xuất khẩu được khoảng 1 triệu tấn/tháng, dù thấp nhưng vẫn còn có đầu ra. Ách tắc ở đây là giá cả và trong đó, thuế đang là một gánh nặng làm tăng giá thành cho than Việt Nam.
Một tấn than xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang phải chịu tới 40% chi phí thuế. Trong đó, ngoài thuế xuất khẩu là 20% , thuế GTGT đầu vào than xuất khẩu không khấu trừ 10%, các thuế phí khác khoảng 10%, gồm thuế tài nguyên bình quân 6%, phí môi trường 10.000 đ/tấn, chi phí môi trường, thăm dò khoảng 2%.
Như vậy, sau khi xuất khẩu, ngành than chỉ còn 60% để cân đối chi phí sản xuất. trong đó, khấu hao khoảng 10%, tiền lương công nhân mỏ khoảng 18%, mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực và các chi phí khác khoảng 32%,...
Ông Biên cho biết, tập đoàn đã phải cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, tạm thời lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện trên 15% so với yêu cầu kỹ thuật, chi phí hạ tầng, môi trường và thậm chi tiền lương công nhân mỏ đã cắt giảm 2 lần trên 10%. Tuy nhiên, các nỗ lực trên vẫn không đủ bù đắp lại gánh nặng về thuế trong giá thành than xuất khẩu.
“Với thuế xuất khẩu 20%, chúng tôi không thể bán được than mà đảm bảo có lãi, đủ để cân đối tài chính trong ngành và bù cho điện hơn 8.000 tỷ đồng”, ông Biên khẳng định.
Do đó, bất đắc dĩ và không còn giải pháp nào hơn, Vinacomin đành phải trông chờ vào việc Nhà nước chia sẻ, tháo gỡ khó khăn bằng việc có thể xem xét giảm một nửa thuế xuất thuế nhập khẩu than trong năm 2012.
Ông Biên khẳng định: Điều này không đi ngược với chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên than. Vì giảm thuế chỉ là tình huống tạm thời để giúp DN có lối thoát. Trước mắt, xuất khẩu than còn có ý nghĩa bù đắp khoản lỗ khi bán cho điện và duy trì các mỏ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân mỏ. Việc dừng xuất khẩu than đã có lộ trình được duyệt và Vinacomin vẫn đang giảm dần theo từng năm.
Được biết, 20% thuế xuất khẩu là mức trần áp dụng từ ngày 16/9/2011. Đây là thời điểm giá than thế giới đang tăng cao, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài chính tăng thuế thì giá than thế giới lại giảm sút tới 30-40%.
Cũng theo thông tin của Vinacomin, nhiều nước đang áp thuế xuất khẩu than bằng 0% hoặc thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Ví dụ Inddonessia hàng năm sản xuất khoảng 340 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 280 triệu tấn có thuế xuất khẩu là 0%, Úc có sản lượng tương đương Indonessia cũng áp dụng thuế xuất khẩu 0%, Trung Quốc là nước sản xuất trên 3 tỷ tấn than/năm, vừa xuất khẩu và nhập khẩu than hàng trăm triệu tấn/năm, nhưng thuế xuất khẩu than cũng chỉ có 10%, Mông Cổ áp dụng thuế xuất khẩu than tùy theo chủng loại chất lượng cao thì thuế suất cao hơn nhưng tối đa không quá 7%,…Trong khi đó, Việt Nam áp dụng thuế suất 20%.