Người chăn nuôi VietGAP đang thấy đơn lẻ

Người chăn nuôi VietGAP đang thấy đơn lẻ
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Thanh Vân (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi với Tạp chí Người chăn nuôi về vấn đề chăn nuôi theo VietGAP, hướng đến sử dụng sản phẩm an toàn trên thị trường hiện nay…

ông hoàng thanh vân cục trưởng cục chăn nuôi - chăn nuôiThưa ông, nhu cầu sử dụng sản phẩm chăn nuôi sạch của người tiêu dùng ngày càng cấp thiết nhưng thịt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà chất lượng không đảm bảo ATTP, ông đánh giá như nào về điều này?

Thông tin sản phẩm thịt lợn đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn chứa chất cấm, cần xem xét lại quy trình từ người nuôi đến khâu phân phối sản phẩm trên thị trường, giám sát quá trình từ giết mổ đến tiêu thụ. Đây là chuỗi dài, do đó không thể đổ lỗi cho người nuôi, cần nhắc đến vai trò giám sát cơ quan quản lý địa phương, thực hiện việc kiểm tra cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở thương mại… để đảm bảo thịt VietGAP đạt an toàn. Thực trạng này không phải là phổ biến. Nếu ở đâu đó làm không tốt, cần kiểm tra lại quá trình, bởi người chăn nuôi không thể tự mang sản phẩm đi tiêu thụ. Theo thống kê, việc vi phạm chủ yếu ở lò giết mổ, chiếm gần 20%, người giết mổ có trục lợi ở đây.

 

Theo ông, để có được sản phẩm sạch, những người tham gia trong chuỗi nên tuân thủ các công đoạn trong quá trình sản xuất ra sao?

Xây dựng chăn nuôi theo chuỗi, đây là việc yếu nhất của chúng ta hiện nay. Thị trường cần những sản phẩm chất lượng, sạch, do đó, kiểu chăn nuôi cũ mạnh ai nấy làm không thể tồn tại được. Cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, người nuôi cần tham gia trong tổ chức nào đó, là tổ chức nhiều người, là câu lạc bộ, doanh nghiệp, tổ hợp tác… phải chịu trách nhiệm trong một số việc như tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kiểm soát chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, những người tham gia, không ai gian dối được trong quá trình nuôi. Nếu chăn nuôi theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ đều kiểm soát lẫn nhau sẽ kích thích sản phẩm phát triển được, ngoài ra là yếu tố gắn kết với thị trường ở phương diện nhu cầu, chất lượng mẫu mã, thị hiếu. Nếu đáp ứng các yêu cầu trên, sản phẩm sẽ an toàn, hiệu quả…

 

Mặc dù được ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay, cả nước mới có khoảng 100 trang trại được chứng nhận VietGAP, người nông dân không mặn mà với VietGAP, ông có thể cho biết nguyên nhân?

Quy trình nuôi theo VietGAP, trước đây chúng ta xây dựng tiêu chuẩn châu Âu, nhưng còn nhiều tiêu chuẩn chưa phù hợp, từ cuối năm 2015, chúng ta đã áp dụng theo tiêu chuẩn ASEAN, vừa dễ thực hiện và vẫn đảm bảo đúng tiêu chuẩn nếu thực hiện nuôi đúng quy trình.

Người chăn nuôi cũng hướng tới nhiều tiêu chuẩn này, Nhà nước cũng khuyến khích chăn nuôi theo VietGAP, giúp đảm bảo an toàn chung, nếu thực hành đúng sẽ tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Về tổng quan thực hiện nuôi theo GAP là rất tốt, chăn nuôi theo GAP, người nuôi có được cái thẻ được coi như giấy thông hành công nhận sản phẩm chăn nuôi là tốt. Tuy nhiên, việc giám sát chứng nhận do tổ chức chứng nhận VietGAP làm, việc này còn khiêm tốn, vì những lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay các cửa hàng tiện ích, thương mại, các chợ nông thôn, thành thị chưa có một nơi chuyên bán hàng VietGAP, người chăn nuôi rất lúng túng, nói chung là không theo chuỗi. Chăn nuôi VietGAP về nguyên tắc tốt nhất theo chuỗi thì chuỗi hiện nay bị cách đoạn, người chăn nuôi chỉ biết chăn nuôi, thậm chí có chứng nhận sản phẩm rất tốt, nhưng một tổ chức, cá nhân trung gian làm thương lái thu gom lại đánh đồng sản phẩm tốt với sản phẩm thường. Điều đó làm thui chột quá trình thực hiện của người chăn nuôi.

Thứ hai, giá của sản phẩm VietGAP chưa có sự phân biệt rạch ròi theo tiêu chuẩn chăn nuôi theo chuỗi. Do không truy xuất được nguồn gốc của chăn nuôi VietGAP nên không có sự khác biệt so với sản phẩm chăn nuôi thường, nhìn chung tình trạng như vậy sẽ làm thui chột người chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thứ ba, mặc dù Nhà nước khuyến khích như vậy nhưng sự phát triển về tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã ở những vùng chăn nuôi lớn còn ít, chưa tạo ra được phong trào, chưa tạo ra hiệu ứng chăn nuôi VietGAP, khiến người chăn nuôi cảm thấy đơn lẻ.

Thứ tư, người nuôi đang chăn nuôi VietGAP cần ghi chép, theo dõi, đánh giá, thống kê, báo cáo, nếu có gì đột biến cho vật nuôi, phải báo ngay cho địa phương vì họ không thể tự ý xử lý. Nếu chăn nuôi tự do, người nuôi có thể tự ý xử lý dịch bệnh, chôn lấp vật nuôi, nhưng nếu chăn nuôi VietGAP, người nuôi phải báo ngay với cơ quan thú y gần nhất, phải thực hiện theo quy trình của thú y, phải giám sát, cách ly bao nhiêu, lập lại quy trình, việc này mất nhiều thời gian, công sức, người chăn nuôi phải được tập huấn, điều này không phải ai cũng làm được.

chăn nuôi gia cầm vietGAP - chăn nuôi

Hiện, cả nước có khoảng 100 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP Ảnh:XT

 

Chúng ta nên giám sát, quản lý lại việc này ra sao để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

Cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước. Nhà nước cần xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn, theo quy chuẩn chất lượng hàng hóa để giám sát hoạt động chăn nuôi. Trong chăn nuôi có rất nhiều nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn như giống, thiết bị, chuồng nuôi, ánh sáng, màu sắc, độ thơm ngon, Nhà nước kiểm tra thấy không đạt tiêu chuẩn sẽ phạt người nuôi, tuy nhiên để làm được điều đó, cần xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, và tiêu chuẩn này dựa theo những cái trung bình nhất, an toàn, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Nhà nước cũng tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra những khâu chính, những sản phẩm chính liên quan như nhà máy sản xuất thức ăn, kiểm tra tiêu chuẩn nhà máy theo đăng ký, nếu sai thì phạt, nếu thực hiện đúng sẽ tạo ra sản phẩm đạt chất lượng. Ngoài ra, cần kiểm tra, thanh tra môi trường, kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ sở giết mổ, điểm phân phối, kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh…

Song song đó, cần làm tốt tuyên truyền, hiện nay Cục Chăn nuôi đã và đang tổ chức tuyên truyền rất mạnh cuộc chiến “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” cho người nông dân, thông qua việc phát tờ rơi, tờ bướm gửi cho người nông dân, tuyên truyền tại trang trại, nông hộ thông qua UBND huyện, xã, các tỉnh, thành trong cả nước, gửi cho người nông dân quy trình chăn nuôi VietGAP để họ tự nghiên cứu, thực hiện. Cơ quan Nhà nước phải có thiết bị kiểm tra, kiểm soát quy trình từ khâu đầu vào đến khâu phân phối, thấy có vi phạm thì cần xử lý ngay…

>> Tính đến nay, Cục Chăn nuôi thông qua tuyên truyền trực tiếp đã có 270.000 hộ nông dân của 47 tỉnh, thành phố với 270.000 chữ ký về nội dung cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc làm này tạo hiệu ứng lan tỏa rộng, chỉ người nông dân mới hiểu rõ cho vật nuôi ăn gì, sử dụng chất gì trong lúc nuôi.


Nguồn: nguoichannuoi.vn