Người chăn nuôi cần tự cứu mình!

Người chăn nuôi cần tự cứu mình!
Trong bối cảnh người chăn nuôi lỗ nặng vì chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm chỉ bằng nửa giá thành, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, một mặt Nhà nước nên thí điểm xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong chăn nuôi, mặt khác bà con nên tăng cường sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ để tiết giảm chi phí.

Theo TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong bối cảnh giá sản phẩm gia súc, gia cầm đang xuống thấp hơn giá thành như hiện nay, giải pháp duy nhất có hiệu quả trực tiếp đối với người nuôi nhỏ lẻ là chuyển đổi càng nhanh càng tốt từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi có áp dụng phương pháp mới như nuôi gà trong chuồng lạnh, chuồng khép kín dùng đệm lót sinh học, cho ăn thêm các loại kháng sinh truyền thống như bột nghệ, gừng, tỏi… để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh.

Ông Bắc cho rằng, từ tháng 4/2013 đến nay, việc giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh khiến hầu hết người nuôi đều chịu lỗ. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể thì khi giá lợn hơi xuống mức 38.000 đồng/kg, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có lời nhờ sử dụng con giống tốt, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khi các trang trại trong nước lỗ khoảng 2.200 đồng/kg, chăn nuôi nông hộ lỗ 5.000 đồng/kg. Tương tự với gà công nghiệp, khi giá xuống mức 14.000 đồng/kg, DN FDI chỉ lỗ 8.000 đồng/kg nhưng các trang trại lỗ tới 17.000 đồng/kg. 

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn chiếm khoảng 65 - 70% về đầu con và 55 - 60% về sản phẩm. Kết quả khảo sát về khả năng tái đàn sau các đợt dịch bệnh thấy, lo ngại lớn nhất của nông dân vẫn là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Thiếu vốn tái đàn, các hộ vẫn có thể trụ được hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các DN lớn nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại rất nặng, khó nuôi trở lại.

Do đó, theo ông Bắc, trong thời gian tới, để đưa tỷ lệ gia súc, gia cầm nuôi bằng hình thức bán công nghiệp và công nghiệp lên mức 50-60%, các địa phương cần nhanh chóng liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác và nhóm chăn nuôi sẵn có, từ đó quy tụ nông dân vào tổ chức sản xuất lớn. Hình thức này cũng giống như mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thực hiện trong ngành trồng trọt. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện cho DN (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư vùng nguyên liệu. DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, DN giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm chủ động hợp đồng với các hội chăn nuôi, hợp tác xã, phối hợp với hệ thống khuyến nông và ngành chăn nuôi nhằm đầu tư vốn và khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Riêng về chính sách tín dụng - hỗ trợ, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi cho rằng, trong thời gian qua, bằng việc đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 394/QĐ-TTg đến năm 2015 đã phần nào hỗ trợ cho các khu chăn nuôi, chế biến, giết mổ tập trung, đồng thời khuyến khích được việc chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. 

Trong thời gian tới, ngoài việc đề nghị các địa phương thực hiện tốt “gói tín dụng” hỗ trợ phát triển chăn nuôi và thủy sản theo Văn bản 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, Cục Chăn nuôi sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 61 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đề xuất Chính phủ gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho ngành chăn nuôi vay phải dưới 10%/năm. Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành, người chăn nuôi cần chủ động tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, trong đó quan trọng nhất là chi phí thức ăn. Khuyến khích sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ, các cơ sở chăn nuôi hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh sang sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với các nguồn nguyên liệu có sẵn trong dân vì cách làm này chắc chắn giúp giảm giá thành ít nhất 5%.

Minh Tuấn
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn