"Người phụ nữ khoai, lúa"

Người dân xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương (Phú Bình, Thái Nguyên) thường gọi chị Dương Thị Tuyết là "người đàn bà khoai, lúa". Cái tên mộc mạc, khơi gợi một thôn quê no đủ ấy xem ra cũng phù hợp với cách nói chuyện phong trần của chị. Cứ tuồn tuột chị kể, từng câu chuyện một trăm phần trăm sự thật xảy ra ở ngay làng quê mình.
 

 
Chị Dương Thị Tuyết trên cánh đồng lúa giống.  
 
Nhìn cánh đồng lúa giống của làng vừa độ ngấp nghé đầu bờ, xanh rượi màu lam ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phương Dương Văn Oanh nói với chúng tôi: Có được một cánh đồng làm lúa giống đẹp như thế này, công đầu phải kể tới chị Tuyết - người phụ nữ mang lại nhiều khoai, lúa cho nông dân.

Câu chuyện được bắt đầu từ năm 2010, khi đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Nguyên về vận động nông dân tham gia sản xuất lúa giống. Ban đầu, chị Tuyết cũng như nhiều nông dân băn khoăn, lo ngại không thành công vì quy trình sản xuất lúa giống hết sức nghiêm ngặt. Nhất là các thuật ngữ mới, như: Lúa bố, lúa mẹ. Trong lúa bố lại còn chia làm bố 1, bố 2. Khi cấy phải thẳng hàng, xong hai hàng lúa bố 1 mới đến hàng lúa bố 2 và các hàng lúa mẹ, rồi còn phải thụ phấn nhân tạo cho lúa... Trước nay, nông dân không quen làm như vậy. Một khó khăn nữa là khi đưa ruộng đất vào sản xuất lúa giống, đòi hỏi trong cánh đồng không được cấy xen lẫn loại giống lúa khác. Tuy thế, hai cánh đồng La Ðường và La Chanh của Tân Sơn 9 đều có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với sản xuất giống lúa lai. Hơn 40 hộ dân trong xóm có đất trong hai khu đồng này, mỗi nhà vài sào, cộng lại được hơn hai ha.

Là Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm, hằng ngày chị Tuyết đến các hộ vận động mọi người cùng tham gia làm lúa giống. Chị Tuyết cho biết: Theo như hợp đồng kinh tế do công ty đưa ra, 1 kg thóc giống được tính tương đương 3 kg thóc Khang Dân. Trong trường hợp mất mùa, hoặc đạt năng suất thấp, công ty trả cho chủ ruộng 210 kg thóc Khang Dân/sào. Như thế, nông dân luôn cầm chắc phần thắng. Ðặc biệt trong quá trình sản xuất, nông dân là người có ruộng, nhưng khi tham gia gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, thụ phấn và thu hoạch đều được công ty trả công, hoặc... sợ lấm tay thì cứ đứng ở đầu bờ, đút túi quần cũng có thóc ăn.

Nhiều bà con ủng hộ, đăng ký tham gia ngay. Tuy nhiên còn một số người sau khi đăng ký làm lúa giống, lại chần chừ... rồi đánh tháo. Có trường hợp cứ trông thấy chị Tuyết là lảng đi không gặp mặt. Chị Tuyết phải chờ đợi, có trường hợp phải đến nhà lần thứ tư mới gặp được cả vợ lẫn chồng. Lại tuyên truyền, vận động, có người vì nể mà tham gia, trong số đó có gia đình ông Ðinh Ðình Sửu.

Ðiều làm cả xóm mừng vui là trong vụ sản xuất lúa giống năm đó, năng suất lúa giống đạt hơn 90 kg/sào, tương đương với 270 kg thóc Khang Dân. Giá bán thóc Khang Dân trên thị trường tại thời điểm đó 5.400 đồng/kg. Gia đình ông Sửu là hộ được mùa nhất, năng suất lúa giống đạt 130 kg/sào, tương đương với 390 kg thóc Khang Dân, cao hơn so với năng suất trung bình của xóm gần 40 kg thóc giống.

Tuy nhiên ở cánh đồng còn có hơn 2.500 m2 đất ruộng của năm gia đình không ủng hộ làm lúa giống. Khó khăn đặt ra với công ty và nhiều hộ dân khác trong xóm. Với suy nghĩ đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, chị Tuyết đã "giải cứu" bằng cách đứng ra nhận thuê lại 600 m2, đồng thời đến vận động ông Hoàng Anh Luyến, trưởng xóm nhận thuê lại 336 m2, số diện tích đất còn lại giao cho Chi hội Nông dân xóm đảm nhiệm. Song để thuê được đất ruộng, chị Tuyết và gia đình ông Luyến cũng như Chi hội Nông dân phải trả công với giá 100kg thóc/vụ, cao hơn hai lần so với bình thường. Ngoài ra, còn phải trả thêm cho các hộ cho thuê ruộng tiền giống lúa, công cấy, phân bón. Kết quả sau vụ mùa này, trừ thóc mang trả công thuê đất, mỗi sào chị Tuyết và các hộ còn lãi hơn 100kg thóc thịt.

Làm lúa giống đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế những vụ lúa sau, các hộ nông dân có ruộng trong cùng khu đồng này đều tích cực ủng hộ. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Bùi Văn Kiên, cán bộ Công ty giống cây trồng Thái Nguyên nhận xét: Chị Tuyết là một nông dân năng động trong phong trào sản xuất lúa giống tại địa phương. Chị là người biết đặt lợi ích của cộng đồng trên lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, cũng có người thấy chị xăm xắn đi tuyên truyền, vận động bà con tham gia làm lúa giống cho công ty lại cho rằng chị được nhận tiền công, hoặc ăn "hoa hồng" từ phía đối tác. Hỏi chuyện này, chị cười hiền lành, bảo: Về mặt tổ chức, tôi là đảng viên, là Bí thư Chi bộ Ðảng, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm; đời thường tôi là một nông dân. Tôi thấy việc làm lúa giống cho công ty, dù mất mùa, hay được mùa thì nông dân chúng tôi đều có lợi. Là đảng viên, thấy lợi cho dân, lẽ nào không làm.

Ðưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa giống, chị nói say sưa về các loại giống cây trồng trên vùng đất Tân Sơn. Chúng tôi cảm nhận ở chị một nông dân có bề dày kinh nghiệm sản xuất. Hơn thế, chị còn là người biết lo đến nồi cơm của những nông dân quanh mình. Bởi công việc sản xuất lúa giống đòi hỏi là phải có khu đồng riêng biệt, nếu chỉ một ô đất chủ hộ không đồng thuận, thì mọi nỗ lực của một tập thể bằng không. Vì thế chị chấp nhận đến các hộ chưa vào cuộc, xin thuê lại đất, chấp nhận rủi ro để cả xóm được mùa.

Không chỉ tích cực vận động nông dân trong xóm tham gia sản xuất lúa giống, chị Tuyết còn tích cực vận động nông dân đưa đất vụ 3 vào trồng các loại cây màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây nhất là cây khoai tây lai có năng suất cao, từ năm 2010, chị vận động được hơn 20 hộ trong xóm cùng về Yên Phong (Bắc Ninh) mua giống về trồng. Vụ đó, giống khoai tây do chị Tuyết mang về trồng đạt năng suất gần 7 tạ/sào. Nhiều diện tích cứ hai củ khoai tây đạt một kg, giá bán tại nhà từ 8 đến 10.000 đồng/kg.

Thấy chị lúc nào cũng bận rộn với đám lúa giống hoặc đám khoai ngoài đồng, nhiều người bảo: Ðừng đeo dây vào cổ cho nhọc lòng. Nhưng chị Tuyết không nản, chẳng nề hà mưa, nắng, cứ lụi hụi ngoài đồng, hô hào bà con chòm xóm cùng làm. Có hôm mưa, vì lo cho đám mạ của chòm xóm bị hỏng, chị đội nón, khoác áo mưa chạy ra đồng khơi tháo nước. Lúc cây lúa lên xanh, chị một mình đi thăm đồng, xem cây lúa có bị sâu bệnh hại. Chị Tuyết tâm sự: Ðây là việc của công ty, nhưng tôi là một nông dân, trực tiếp làm ra hạt lúa giống, tôi phải có trách nhiệm, vì sau này hạt lúa giống tôi làm sẽ góp phần làm nên một mùa vàng no ấm trên nhiều miền quê của Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CƯỜNG, NGỌC CHUẨN
Nguồn:nhandan.com.vn