Phiêng Lủng là thôn vùng cao của xã Bộc Bố có 18 hộ là đồng bào Mông di cư từ Cao Bằng về. Vì thiếu đất canh tác, lại thêm tập quán du canh, du cư, đời sống đồng bào Mông nơi đây thường xuyên thiếu đói.
Ðược tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Phiêng Lủng từ năm 1998, với trách nhiệm đảng viên, ông San trăn trở phải làm sao giúp bà con thoát đói, nghèo. Năm 2002, ông xuống núi tìm được giống ngô mới ngắn ngày năng suất cao, đem về trồng thành công, từ đó ông hướng dẫn đồng bào làm theo. Thấy hiệu quả từ mô hình canh tác của nhà ông San, bà con bỏ hẳn giống ngô cũ năng suất thấp, trồng giống ngô mới.
Ông San còn vận động người dân không du canh nay đây mai đó, mà kiên trì khai hoang được 2,5 ha đất cấy lúa nước. Ðến nay, các gia đình ở Phiêng Lủng không còn thiếu đói như xưa nữa. Ngoài ra, tận dụng các bãi chăn thả gia súc, ông San bàn với các hộ dân trong thôn khai hoang làm đất trồng cỏ, nuôi trâu, bò. Ông còn hướng dẫn bà con nuôi nhốt trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Ðến nay, thôn đã có đàn trâu, bò hơn 100 con. Thu nhập từ bán trâu, bò và cấy lúa, trồng ngô giúp đời sống của người dân ở Phiêng Lủng có nhiều cải thiện. Năm 2013, tất cả số hộ trong thôn đều thuộc diện nghèo nhưng nay chỉ còn năm hộ nghèo.
Sau 16 năm làm trưởng thôn, đến năm 2014 khi tuổi cao, sức yếu, ông San xin thôi làm nhiệm vụ này. Thấy đời sống ngày càng được cải thiện, các hộ dân có nhu cầu mua ti-vi, đài ra-đi-ô để nắm bắt thông tin nhưng lại không có điện lưới, ông San bàn với trưởng thôn mới Sùng Văn Ky họp thôn để bàn bạc, thống nhất về việc đóng góp hai triệu đồng mỗi hộ và ngày công dựng cột để kéo điện về thôn.
Từ thôn nghèo khó nhất, ông San góp phần đưa Phiêng Lủng trở thành "điểm sáng" của cả xã Bộc Bố về xóa đói, giảm nghèo, không có tệ nạn xã hội, các hủ tục được xóa bỏ, các hộ dân đoàn kết xây dựng đời sống mới. Bản thân ông San được các cấp, các ngành khen thưởng, người dân trong thôn gọi ông bằng cái tên thân mật "Người làm thay đổi thôn Phiêng Lủng"
Theo nhandan.com.vn