Người trồng chanh ở Nam Đàn lao đao vì giá rớt thảm

Người trồng chanh ở Nam Đàn lao đao vì giá rớt thảm
Ngược với vụ chanh trái vừa được giá, vừa bán chạy thì chanh chính vụ ở Nam Đàn hiện nay đang ế ẩm, giá chỉ 1.500 đồng/kg.

Bà Tống Thị Hạnh (50 tuổi) ở xóm 10, xã Nam Lộc cho biết, gia đình bà trồng trên 300 gốc chanh, hàng năm chanh chính vụ cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn quả. Năm nay, giá chanh bán sỉ đầu mùa từ 8 - 10 nghìn đồng/kg, nhưng chỉ được mấy hôm, sau đó, giá chanh rớt thảm. Hiện nay giá chanh đẹp bán sỉ tại vườn chỉ 3.000 đồng/kg, còn chanh xấu hơn thì tùy loại, đại trà bán với giá 1.500 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán.

Những đồi chanh chính vụ ở Nam Đàn được mùa quả nhưng hiện không có người đến thu mua. Ảnh: Huy Thư
Xã Nam Lộc có 10/10 xóm trồng chanh với hơn 120 ha, trong đó xóm 10 trồng nhiều nhất với khoảng 50 ha, nhiều hộ dân có 3 - 4 ha đã cho thu hoạch. Theo ông Bùi Xuân Sỹ xóm trưởng xóm 10, việc chanh rớt giá trầm trọng đang gây thiệt hại nặng cho bà con.
Chanh chính vụ ở Nam Đàn đang bán với giá từ 1.500 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư
 

Giá rẻ, ế ẩm là khó khăn chung của người trồng chanh ở vùng hữu ngạn sông Lam. Bà Phạm Thị Tâm ở xóm 4 - Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn cho biết, nhà bà có 300 gốc chanh, bán sỉ cho lái buôn từ đầu mùa đến nay vẫn chưa hết. Giá chanh rẻ lại bị thương lái ép đủ đường, chở ra chợ bán thì không đủ tiền xăng xe. Nhìn chung thu hoạch vụ chanh này không đủ bù chi phí bỏ ra".

Xã Khánh Sơn có 22/29 xóm trồng chanh, trong đó xóm 3 có số hộ trồng chanh nhiều nhất, với hơn 100 h; mỗi hộ có từ vài sào đến vài ha chanh. Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng trồng chanh từ 15 năm nay, hiện trong vườn có 1.000 gốc chanh đã cho thu hoạch, mỗi vụ chanh chính, thu hái khoảng 15 tấn quả. Thời gian qua, do việc bán sỉ chậm, nên vợ chồng anh phải hái chanh đem đi các chợ để tiêu thụ, tuy nhiên mỗi buổi chợ cũng chỉ bán được 5 – 7 yến. Đến nay trên vườn nhà anh vẫn còn khoảng 5 tấn chanh quả.

Theo anh Thắng, dù giá rẻ thì dân trồng chanh cũng phải hái bán để gỡ gạc chút ít, còn thấy rẻ mà cầm cự để chanh trên cây thì quả sẽ vàng và rụng hết. Hơn nữa cũng phải thu hái để cứu cây chanh, giữ sức cho chanh cho mùa tới.

Với diện tích hàng trăm ha, mỗi vụ cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn quả, chanh đang là cây chủ lực của một số xã như Nam Lộc, Nam Kim, Khánh Sơn...của huyện Nam Đàn. 

Chuyện được mùa mất giá đối với chanh Nam Đàn đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa năm nào giá chanh xuống đến mức 1.500 đồng/kg như bây giờ. Chanh chính vụ tuy sản lượng lớn nhưng đem lại thu nhập không cao cho người trồng chanh và đang dần trở thành “vụ lép”. Những năm gần đây, do chanh chính vụ quá rẻ, nên một số hộ trồng chanh ở các xã không tha thiết đầu tư.

Chanh rụng đầy gốc tại vườn nhà chị Nguyễn Thị Thiện ở xóm 10 xã Nam Lộc. Ảnh: Huy Thư

Bài toán đầu ra cho cây chanh, nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá mấy lâu nay vẫn chưa thấy có cơ quan, ban, ngành nào hỗ trợ nông dân.

Ông Nguyễn Khắc Hương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Lộc băn khoăn: "Việc tiêu thụ chanh của địa phương phụ thuộc vào thị trường, xã chưa có mối liên kết nào, hay biện pháp hữu hiệu nào để hỗ trợ đầu ra cho nông dân"./.