Nguồn giống lởm khởm, đừng mơ “cây tỷ đô”

Thông tin một ngân hàng dự kiến sẽ cung cấp tín dụng cho nông dân vay vốn nhằm hiện thực hóa “giấc mơ tỷ đô” với cây mắc ca đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là người dân các tỉnh Tây Nguyên…
Quả mắc ca có màu xanh đậm, mọc thành từng chùm
Chưa nói chuyện thị trường, nguồn giống “đầu vào của giấc mơ” cũng  gây nhiều quan ngại. Theo thống kê, trong số khoảng 1 triệu cây mắc ca đang được trồng với diện tích khoảng 5.000 héc ta thì đang có đến một nửa diện tích này được trồng từ mắc ca giống thực sinh (từ hạt), dự báo cho năng suất, chất lượng kém. 
Bộ chủ quản cẩn trọng 
Mới đây, Ngân hàng LienVietPostbank đã gây chú ý khi đưa ra một ý tưởng khá “táo bạo”, rằng họ sẽ đề xuất Ngân hàng Nhà nước gói giải pháp 10 ngàn tỷ đồng (giai đoạn đầu) cho nông dân vay, thậm chí thông qua hình thức tín chấp, ưu đãi để trồng và phát triển khoảng 200 ngàn héc ta mắc ca ở Tây Nguyên trong thời gian 5 năm tới. 
Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cơ quan vốn chủ việc cây con, giống má thì lại tỏ ra cẩn trọng, với yêu cầu chưa mở rộng diện tích lên một cách ồ ạt. Vì hiện nay, trên thế giới sau nhiều năm phát triển cũng mới chỉ có khoảng 80 nghìn hécta.
Thái độ cẩn trọng trên xem ra rất cần thiết, bởi theo GS.Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng thì trong 5.000 héc ta mắc ca được trồng, chỉ có 50% sử dụng giống ghép chất lượng tốt từ cây đầu dòng, còn một nửa diện tích còn lại là giống mắc ca thực sinh cho năng suất, chất lượng rất kém. 
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia am hiểu giống cây trồng cũng lên tiếng cảnh báo: Giống mắc ca thực sinh, giống mắc ca mắt ghép giả cho năng suất, chất lượng kém, đây là điều đáng lo ngại nhất cho việc phát triển mắc ca bền vững. 
“Vấn đề quan trọng then chốt đó là khâu làm giống, quản lý giống, nếu không quản lý chặt chẽ nguồn giống sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng và giống tốt, giống kém lẫn lộn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Vì vậy, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước và các Bộ, ban ngành liên quan cần phải được phát huy, làm sao để nông dân tiếp cận được nguồn giống chất lượng”. - TS. Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhấn mạnh. 
Buông lỏng quản lý nguồn giống?
Tìm hiểu của PLVN được biết, vào tháng 9/2011, Bộ NN&PTNT đã từng ra quyết định công nhận 9 dòng mắc ca chất lượng tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường, gồm: 482, 741, 800, 900, 695, OC, 246, 816, 849. Và đến thời điểm hiện nay, Bộ này đã cho triển khai 353ha trồng thuần và 125ha trồng xen, cộng với hơn 40 vườn mắc ca thông qua chương trình khuyến lâm, đã có gần 500ha cây mắc ca có nguồn gốc rõ ràng hoàn toàn có triển vọng để được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường. Thế nhưng việc vẫn để hơn một nửa diện tích mắc ca sử dụng giống thực sinh cho thấy việc kiểm soát nguồn gốc mắc ca đã, đang bị buông lỏng? 
Đáng lo ngại hơn, trên thị trường hiện nay cây giống mắt ghép giả có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép thật có giá 70.000 đồng một mắt ghép. Nhưng mắt ghép thật chỉ 3 năm là cho trái, trong khi mắt ghép giả 5-7 năm mới cho trái, sản lượng lại rất thấp, thậm chí còn không cho thu hoạch. 
Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo người dân chỉ trồng những giống đã được Bộ này công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật, theo các hướng dẫn về quy trình kỹ thuật. Bộ khẳng định nghiêm cấm và sẽ siết chặt các hoạt động nhập khẩu giống với mục đích thương mại khi chưa trải qua khảo nghiệm theo quy định về quản lý giống cây trồng. G.K
 
Ngân hàng LienvietPostbank không “chém gió”?
Năm ngoái, khi thông tin về kế hoạch đầu tư nói trên được phát đi, một số ý kiến nghi ngại về ý tưởng của ngân hàng này. Thậm chí, có người còn cho đó là lời... “chém gió”. Sau đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng LienvietPostbank nói đại ý rằng: “Trước đây nếu là tôi, nghe ai đó nói một kế hoạch như vậy thì tôi cũng nghĩ là “chém gió”. Vì nó còn mới quá, và chưa thấy thực tiễn tại Việt Nam”. 
Bởi theo ông này, ngay cả khi triển khai thì cũng phải mất 5-7 năm mới chứng minh được. Tuy nhiên, LienVietPostBank và Tập đoàn Him Lam đã tổ chức nghiên cứu, thuê chuyên gia nước ngoài cùng làm, xây dựng  quy trình cụ thể. Theo ông này thì ý tưởng trồng cây mắc ca đã có từ cách đây 2 năm.
Gia Khánh
theo baophapluat