Nhận diện nhóm lợi ích khiến nông dân thiệt hại trăm bề

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại phiên chất vấn Quốc hội mới đây rằng “chưa có cơ sở để xác định những nhóm lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp” vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhiều Đại biểu Quốc hội. Bởi nếu không có sự tồn tại của nhóm lợi ích thì người dân đã chẳng phải “kêu cứu”.
Ảnh: Kinh tế nông thôn
 
Trả lời câu hỏi về việc có hay không nhóm lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp tại phiên chất vấn Quốc hội hôm 13/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiên quyết phản đối nhóm lợi ích hoạt động trái pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hỡ của pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Tuy nhiên, rõ ràng hiện tượng các nhóm lợi ích chưa hẳn đã là hiện tượng phạm tội như ông Phát đề cập để có thể dễ dàng “phát hiện” theo kiểu “bắt quả tang”. Vì vậy, muốn nhận diện nhóm lợi ích nông nghiệp này cần phải tiếp cận dưới góc độ cơ chế sản xuất, phân phối xuất khẩu qua các “nhóm” trong chuỗi cung ứng lúa gạo trên toàn quốc.
 
Thực tế, nhóm lợi ích trong nông nghiệp đã bắt đầu nổi lên khá rõ ngay từ câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), rằng: “Chất lượng gạo Việt Nam được đánh giá cao, sức mua của thế giới vẫn tăng, nhưng vì sao gạo của Việt Nam lại bị mất giá?”. Rõ ràng, theo cơ chế cạnh tranh của thị trường khi cầu tăng, chất lượng tăng thì giá cũng phải có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp người bán gạo ra thị trường thế giới chính là những người nông dân hoặc với điều kiện giả định không có bất kỳ yếu tố nào chi phối đến giá bán gạo. Trong khi đó, hiện tại, gạo ở Việt Nam muốn đến tay người tiêu dùng thế giới đều phải “qua tay” các doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Lợi dụng sự hạn chế trong việc tiếp thu thông tin trên thị trường thế giới, cộng với yếu tố cuộc sống của người nông dân vẫn đang còn nhiều khó khăn, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu tha hồ ép giá gạo của người trồng lúa với lý do “gạo bán ra thế giới không được”. Đúng là mức độ cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới ngày càng khốc liệt hơn, đặc biệt là sự xuất hiện của các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ khiến việc kiếm tiền từ việc buôn gạo cũng thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, với năng lực cạnh tranh yếu kém cộng với khả năng tìm kiếm các đối tác tiềm năng của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam còn hạn chế  đãkhiến gạo Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế và giá gạo ở mức thấp. Điều đáng nói là dù giá gạo thấp, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không hề bị lỗ vì họ mua gạo từ nông dân với giá còn thấp hơn nhiều. Thiệt hại dồn cả cho người nông dân, nếu không sản xuất thì không  biết lấy gì mưu sinh, nhưng càng sản xuất càng lỗ, càng thua thiệt.
 
Không chỉ bị ép giá bán, người nông dân còn đang rơi vào vòng luẩn quẩn “bán lúa mua gạo” vì chính sách tạm trữ lúa gạo của Nhà nước. Khi đó, đương nhiên lợi ích sẽ thuộc về các doanh nghiệp mua tạm trữ. Bởi theo quy định, nhóm này được vay nguồn vốn ưu đãi lãi suất 0% khi mua tạm trữ lúa gạo, nhưng lại không hề bị ràng buộc theo những cơ chế về lộ trình mua, giá cả… Chính vì vậy, nhóm này thường chọn mua lúa gạo vào đúng thời điểm bão hõa thị trường gạo, tức là khi người dân đã hết chỗ chứa lúa và hết tiền tái đầu tư. “Chiêu thức” này giúp nhóm doanh nghiệp mua dự trữ kiếm bộn từ chính những chính sách ưu đãi của Nhà nước, vừa kiếm lời từ việc mua được gạo giá rẻ.
 
Ngoài những nhóm lợi ích trên, người trồng lúa còn đang chịu thiệt đơn thiệt kép vì chuỗi cung ứng lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang quá phức tạp. Nếu theo mô hình “mẫu chung” của Nhà nước trong chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệ khép kín là mô hình “bốn nhà”, bao gồm: Nhà nước ban hành chính sách, nhà khoa học nghiên cứu kỹ thuật, nhà doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, nhà nông tập trung sản xuất. Điều đó có nghĩa là gạo Việt Nam muốn đến tay người tiêu dùng chỉ cần qua “hai nấc thang” là: từ đồng ruộng qua tay doanh nghiệp và đến tay người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, thực tế, hiện nay hạt gạo trước khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua vô vàn “nấc thang” trung gian khác như hàng loạt thương lái lớn nhỏ, rồi đến các giai đoạn pha trộn, xử lý, bảo quản… Những “nấc thang” này khiến chất lượng gạo không còn nguyên vẹn mà còn bị đội giá. Như vậy, chính những bất cập trong cách quản lý chuỗi cung ứng lúa gạo đã tạo ra nhóm lợi ích thương lái trung gian, khiến giá thu mua lúa gạo từ đồng ruộng thấp và người dân vẫn phải mua gạo của mình với giá cao ngất ngưởng.
 
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về thực trạng thương lái được hưởng lợi lớn từ việc mua gạo giá rẻ của người dân, ông Cao Đức Phát thừa nhận đúng là thương lái được lợi nhiều hơn. “Vì thế, chúng tôi đã hướng dẫn bà con nông dân tập trung sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thị trường, làm với năng suất cao, tốt hơn và rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh. Chỉ khi có thị trường tiêu thụ, thì làm ra mới không bị ế”, ông Cao Đức Phát cho biết.
 
Tuy vậy, nếu người nông dân có đủ sức mạnh và quyền hạn để có thể làm được tất cả những điều trên mà không bị một nhóm đối tượng nào khống chế và ép giá thì cuộc sống của họ đã không khó khăn như vậy và cũng chẳng cần nhờ đến các đại biểu Quốc hội “than thở” giùm.
 
Như vậy, Chính phủ vẫn chưa xây dựng được một kênh phân phối nông sản tối ưu để cân đối được lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, qua đó thể hiện được vai trò điều tiết và vận hành nền kinh tế nông nghiệp của Nhà nước. Bởi vậy, từ hàng chục năm qua cho tới tận bây giờ, vai trò “điều tiết” thị trường luôn nằm trong tay thương lái, nhóm đối tượng không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, gây thiệt đơn, thiệt kép cho người nông dân, những đối tượng chiếm đa số trong cơ cấu dân số Việt Nam.