Nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp

Trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, thì Quyết định 315/QÐ-TTg (ngày 1-3-2011) của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 tại 21 tỉnh đã góp phần giúp nông dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo bớt khó khăn và chủ động khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Ảnh minh họa (Internet)

Ðây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình BHNN ở các địa phương khác trong cả nước. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 4 năm nay, có hơn 234 nghìn hộ dân tham gia, với tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản lên đến hơn 5.400 tỷ đồng; trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 303 tỷ đồng. Có thể nói, đây là nỗ lực lớn của sự kết hợp Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Nhìn lại hai năm triển khai, cùng với những kết quả bước đầu, ở một số địa phương còn có những hạn chế, tồn tại như: quy trình đánh giá, bồi thường BHNN thiếu kịp thời, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như sự mong đợi của người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do số hộ tham gia BHNN lớn, song nhân lực tham gia giám sát, quản lý lại quá mỏng. Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi BHNN diễn ra khá phổ biến, góp phần đội thêm chi phí bồi thường khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái tiếp tục các hợp đồng bảo hiểm của năm tới...

Vì vậy, để BHNN đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của người dân, thu hút các hộ tham gia trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp bảo hiểm và Nhà nước. Quy trình giải quyết bồi thường cần nhanh gọn, kịp thời, bảo đảm đúng chế độ và triển khai một cách đồng bộ. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác hợp đồng BHNN mới, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, ngăn chặn và phòng, chống trục lợi bảo hiểm nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngân sách cũng như của chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm cây trồng, vật nuôi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các đoàn thể xã hội cũng như các hội: Nông dân, khuyến nông, phụ nữ...

Hy vọng, cùng với những kinh nghiệm thu được sau hai năm triển khai thí điểm và việc thực thi Quyết định 358/QÐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 315/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 27-2 vừa qua (trong đó có nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm hộ nông dân, người cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN), BHNN ngày càng thu hút nhiều hộ nông dân tham gia góp phần giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo nhandan.org.vn