Nhiều chuyển biến trong xử lý rác thải nông thôn

Nhiều chuyển biến trong xử lý rác thải nông thôn
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được các ngành, các cấp chính quyền hết sức quan tâm và đã có nhiều chuyển biến.
 
Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc
Tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, nếu như vài năm trước đây, rác thải sinh hoạt tràn ngập ở ven đường bốc mùi xú uế, thì nay đã có các giải pháp xử lý. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) đã phối hợp cùng Hội Nông dân TP Hà Nội triển khai mô hình thí điểm thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn các hộ dân sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng. Mô hình này hơn một năm qua đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân xã Tiền Yên trong việc xử lý rác thải.

 
Phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Theo Sở TN&MT Hà Nội, công tác quản lý rác thải nông thôn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp do phạm vi quản lý rộng khoảng 3.000km2 trên địa bàn 17 huyện và gần 4 triệu dân sinh sống đan xen cùng với các khu đô thị nhỏ, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Mặc dù công tác xử lý rác thải trên địa bàn TP đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp trong những năm gần đây nhưng theo ông Nguyễn Văn Lý - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nông thôn vẫn chưa được đồng bộ và chất lượng VSMT còn có khoảng cách lớn so với khu vực nội thành.
Sở TN&MT đã khảo sát, đánh giá toàn diện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công tác VSMT; cơ chế quản lý, quy trình, định mức công tác vệ sinh nông thôn tại các huyện trên toàn TP. Từ đó, Sở đã chỉ đạo công tác VSMT nông thôn theo hướng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trước mắt như chôn lấp rác phân tán tạm thời; xây dựng những điểm tập kết rác tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, Sở cũng tập trung các giải pháp mang tính lâu dài như quy hoạch các cơ sở xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến, phân bố theo vùng (huyện), liên vùng (quận, huyện) để kêu gọi đầu tư giải quyết rác thải nông thôn một cách triệt để.
Theo số liệu thống kê năm 2014, tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn 17 huyện là gần 2.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt khu vực ngoại thành đạt khoảng 90% (vượt chỉ tiêu được giao theo kế hoạch đầu năm 2014 là 87%).
Giám đốc Sở TN&MT
Nguyễn Trọng Đông

Tập trung vào 3 giải pháp lớn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, hiện nay, Hà Nội tập trung vào 3 giải pháp lớn để xử lý rác thải. Thứ nhất, đó là ứng dụng các tiến bộ KHKT của thế giới. Tại huyện Đan Phượng và tại xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, vừa đảm bảo yêu cầu của Việt Nam, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn của nước ngoài. Thứ hai là việc tiến hành tổ chức nghiên cứu, đưa ra các mô hình vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam, vừa đảm bảo VSMT. Ví dụ, mô hình trung chuyển và xử lý rác thải nông thôn nằm trên địa bàn huyện Thanh Oai là dự án điển hình của ứng dụng KHKT, gắn kết các nhà khoa học, nhà đầu tư và nông dân. Thứ ba là chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Việc chôn lấp rác thải hiện nay không giống như trước đây, mà phải dựa trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Khi chôn lấp rác thải phải có vải lót, có chế phẩm sinh học, phải phủ kín, ứng dụng các công nghệ về chôn lấp để đảm bảo yêu cầu.
"Trong điều kiện nguồn lực của Thủ đô hiện nay cũng như các địa phương khác, không thể đồng thời một lúc áp dụng tất cả các tiến bộ KHKT của thế giới mà phải có lộ trình. Hà Nội cũng có nhà máy ngàn tỷ, cụ thể là nhà máy xử lý rác thải công nghiệp do NEDO tài trợ bằng công nghệ đốt phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Dự kiến, đến hết năm 2015, Hà Nội phấn đấu 100% rác thải đô thị và 90% rác thải nông thôn được thu gom xử lý hợp vệ sinh" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
Hồng Thái
Theo ktdt.vn