Nhiều công trình cấp nước không hiệu quả
- Thứ tư - 20/03/2013 09:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn tỉnh có 47 công trình cấp nước SHTT, chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Lộc Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ… Trong số các công trình nói trên chỉ có 17 công trình tạm phát huy hiệu quả; 15 công trình hiệu quả thấp và 15 công trình bỏ mặc hoang phế năm này qua năm khác.
Tại công trình cấp nước xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, nhìn tứ phía cỏ mọc um tùm; hệ thống đường ống hoen rỉ; bể lọc, bể chứa đều nứt rạn tứ tung. Nhiều người dân trong xã bức xúc: “Từ ngày khánh thành công trình đến nay dân Ngọc Sơn chưa hề thấy nước sạch đâu cả, chỉ thấy công trình “đắp chiếu” năm này qua năm khác thôi. Nhớ lại ngày dự án về đầu tư, xã kêu gọi dân góp vốn đối ứng, chúng tôi phải bán gà, bán lợn lấy tiền nộp mong sớm có nước sạch để dùng. Đâu ngờ, “tiền mất tật mang”, công trình đưa lại hệu quả như thế này đây”.
Được biết, công trình cấp nước xã Ngọc Sơn do UBND xã làm chủ đầu tư; công suất thiết kế 300 m3/ngày đêm; cấp nước cho 3.000 người dân trong xã với tổng mức đầu tư trên một tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG NS-VSMTNT cộng với vốn đối ứng từ dân. Công trình hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 5/2006, nay đã gần 7 năm trời mà không một ngày hoạt động, dân khát vẫn khát.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng thi công các hạng mục không đảm bảo, khi đưa vào sử dụng nước thấm, rò rỉ tứ tung không vận hành được dẫn đến công trình không sử dụng nên việc duy tu bảo dưỡng hằng năm cũng bỏ bê.
Còn đối với công trình cấp nước SHTT xã Thạch Long, huyện Thạch Hà dù được đầu tư đến hơn 7 tỉ đồng từ nguồn Chương trình MTQG NS-VSMTNT cộng với vốn đối ứng của người dân, nhưng rốt cuộc ở Thạch Long cũng chẳng khác gì ở xã Ngọc Sơn. Sau thời gian thi công vội, đến năm 2010 công trình hoàn tất đi vào hoạt động nhưng cũng sau ngày bàn giao đến nay đã hơn 3 năm trời ròng rã, người dân Thạch Long vẫn dài cổ chờ nước, bởi công trình xây xong phải bỏ mặc.
Qua tìm hiểu được biết, do công trình đầu tư thiếu tính toán nên khi đi vào vận hành thử nước thất thoát quá nhiều nên khi về đến hộ dân giá nước nhảy vọt quá cao so với giá nước quy định, vì thế hầu bao nông dân Thạch Long không thể kham nổi.
Ngoài 2 công trình Thạc Long và Ngọc Sơn, ở Hà Tĩnh còn có hàng chục công trình khác cũng lâm cảnh tương tự.
Nhiều công trình cấp nước tập trung ở Hà Tĩnh chưa xây đã hỏng
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh nói về công trình cấp nước xã Thạch Long: Nhẽ ra trước lúc xây dựng cả một công trình cấp nước quan trọng như thế, trước hết chủ đầu tư phải tính toán đến hiệu quả kinh tế, khi nước về tận hộ dân, tổng số tiền dân phải trả là bao nhiêu, liệu hầu bao dân có kham nổi... Thế nhưng, công trình xây dựng xong đã gần 4 năm nay, bài toán đó vẫn chưa giải ra. Chúng tôi là đơn vị cấp nước cho công trình Thạch Long, qua vận hành thử cho thấy, một số đoạn đường ống bị thấm, rò rỉ vả lại đường chuyển tải khá xa nên phía đầu tư tính toán ra mỗi m3 nước khi về tận người sử dụng giá đội lên đến 10.000 đồng, dân không chịu nổi. Còn chúng tôi là đơn vị cấp nước, thực hiện chỉ đạo của tỉnh chỉ thu mỗi m3 giá 5.500 đồng đúng theo QĐ 26/28 UBND quy định.
Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm NSH-VSMTNT Hà Tĩnh về bài toán đầu tư, quản lý vận hành các công trình cấp nước SHTT trên địa bàn, được ông cho biết: Sau khi phúc tra toàn bộ các công trình cấp nước tập trung trên toàn tỉnh chúng tôi xác định nguyên nhân chính dẫn đến việc hầu hết các công trình không phát huy hiệu quả, trước hết là do đầu tư quá dàn trải, không đồng bộ. Tôi lấy ví dụ, một số công trình như ở xã Cẩm Mỹ, tổng mức đầu tư chỉ 170 triệu đồng; công trình Hạ Triều, xã Vĩnh Lộc 170 triệu đồng; công trình cấp nước xã Hương Lâm, Hương Khê 400 triệu đồng… Nếu với mức đầu tư trên không thể đòi hỏi công trình đảm bảo chất lượng và vận hành hiệu quả. Thứ hai, khi triển khai dự án hầu hết đều giao cho địa phương và nhà thầu năng lực yếu. Ngoài ra, sự phối kết hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và tổ vận hành thiếu chặt chẽ. Nguyên nhân cuối cùng là suất đầu tư vào công trình nước lớn nên khi huy động đối ứng người dân không có tiền nộp, từ đó việc tái đầu tư sửa chữa công trình hằng năm không được thực hiện nên công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó người dân không được hưởng lợi.
Thanh Nga
Báo nông nghiệp Việt Nam