Nhiều “sạn” ở phim tam nông

Nhiều “sạn” ở phim tam nông
“Nhiều phim có đề tài “tam nông” thể hiện cách làm ẩu, qua quýt, chưa thể hiện sự chuyên nghiệp. Khán giả ở khu vực nông thôn vẫn đang mong chờ những bộ phim chất lượng và có tính nhân văn sâu sắc”. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi NTNN.

 


Nhiều phim có lời thoại ẩu

Tôi sống ở nông thôn nên rất thích theo dõi các phim truyền hình về nông thôn. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều phim làm còn thiếu tính hợp lý, ví dụ trong phim “Tay chơi miệt vườn”, mấy nhân vật dân chơi, giang hồ nói năng lịch sự như dân trí thức. Lời thoại như thế quá giả tạo và hoa mỹ.

Cảnh trong phim “Về quê cưới vợ”.

Phim “Chuyện tình làng hoa”, người con gọi “cha” nhưng cha thì cứ xưng là “ba”, tréo ngoe. Phim “Chàng mập nghĩa tình”, nhân vật chàng Việt kiều trong phim qua Mỹ từ 2 tuổi, lúc trước gọi điện thoại về quê nhà nói toàn tiếng Anh, người nghe điện không hiểu, vậy mà tới lúc về thì nói tiếng Việt như gió...

(xã Phú Long, Châu Thành, Đồng Tháp)

Làm xấu hình tượng người miền Tây

Tôi có xem phim “Về quê cưới vợ” và thấy bà con chòm xóm cũng theo dõi và cười nhiều lắm. Nhưng tôi thấy phim vẫn có góc nhìn thiếu thiện cảm về người miền Tây. Tôi sống ở miền Tây nên biết, nông dân ở đây vốn chân chất, thật thà, mà trong phim thì ngoài nhân vật Hai Bình ra còn lại thấy toàn những người tư lợi, mờ mắt vì tiền đến nỗi bán rẻ cả nhân cách.

Người miền Tây không khinh người và ham tiền như vậy, có thể có một số người ưa “nổ”, thích nhiều chuyện nhưng không đến nỗi xấu hàng loạt như trong phim. Tôi thấy các nhà làm phim giờ toàn lôi những chuyện khó ưa, gây cười ra để gán cho nông dân, nào là ngu, khờ rồi lại tới cả gay, mê tiền bệnh hoạn. Có thể gây cười đấy, nhưng cười xong lại thấy đau lòng.

(xã Mỹ Lương, Cái Bè, Tiền Giang)

Còn xa mới chuyên nghiệp

Tôi không hiểu thời nào rồi mà các nhà đạo diễn vẫn quan niệm khán giả như thời xa xưa. Giờ bật truyền hình lên, dù ở khu vực nông thôn cũng có mấy chục kênh, tha hồ lựa chọn. Thế nên khán giả không thể không so sánh, tại sao phim nước ngoài hay, hấp dẫn, chuyên nghiệp trong mọi khâu mà phim của mình thì dở ẹc.

Ví dụ là quần áo các nhân vật trong phim tam nông thiếu sự đầu tư, cứ cho các cô thôn nữ mặc đồ bà ba may bằng phi bóng mới tinh đủ màu sặc sỡ. Thực ra về trang phục, người nông thôn hiện nay cũng không quá cách xa với thành thị, chỉ có điều họ không mặc đồ hở hang thiếu vải mà thôi. Chỉ một điều nhỏ như vậy mà làm không nổi, khó mà đòi hỏi cả bộ phim chuyên nghiệp.

(Ninh Hòa, Hồng Dân, Bạc Liêu)

Chưa thấy “đã” với các phim ở phía Nam

Về chất lượng thì báo đã nói nhiều nhưng khách quan mà nhận xét những phim về tam nông ở phía Nam không bằng phía Bắc. Tính đa dạng vùng miền còn hạn chế, chỉ thấy chuyện phim xảy ra ở các tỉnh phía Bắc hoặc Tây Nam Bộ mà ít, thậm chí không thấy những câu chuyện ở Trung Bộ hay vùng dân tộc. Tóm lại, khán giả nông thôn vui vì được xem nhiều phim về chính cuộc sống của mình nhưng thật sự chưa thấy "đã".

Còn biết bao nhiêu chuyện của tam nông mà ai cũng thấy là rất "nóng" chứ đâu chỉ có chuyện cá, tôm, cây, trái. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà làm phim sẽ liên kết với nhau thật chặt chẽ, có kế hoạch dài hơi về nông thôn mà "ba cùng" với nông dân chứ không phải chỉ cưỡi ngựa ngắm "tam nông".

(Trường THPT Long Bình, Tiền Giang)

Thiếu phim hình tượng tốt

Tôi vẫn còn nhớ 2 bộ phim về nông thôn rất cảm động, đó là “Mẹ chồng tôi” và “Đất Phương Nam”, hai phim này đã xây dựng những hình tượng người nông dân rất đẹp là bà mẹ chồng do NSƯT Thu An đóng và những người nông dân Nam Bộ vất vả trong cuộc mở đất mà vẫn luôn ngời sáng tình người. Giờ coi phim về nông thôn thấy toàn chuyện đâu đâu, chủ yếu khai thác góc độ đen tối, tha hóa, tất nhiên đó cũng là một phần hiện thực xã hội nhưng không phải tất cả. Chúng ta đang thiếu những bộ phim xây dựng hình tượng tốt đẹp về người nông dân hôm nay.

(xã Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang)

Xây dựng nhân vật còn đơn giản

Xem phim “Qua ngày giông bão” trên VTV1, tôi đánh giá đây là một bộ phim tốt về đề tài nông thôn mới. Chỉ tiếc là cách xây dựng nhân vật của phim còn đơn giản và cũ quá, người tốt, người xấu nhìn vào biết ngay, từ ngoại hình, lời nói đến dáng điệu, cử chỉ. Đó là một cách làm thiếu sáng tạo, làm cho nhân vật thiếu sức sống, thiếu tính đời và một màu. Khán giả khó có cảm tình nếu hai tuyến nhân vật cứ rành mạch tốt hay xấu từ đầu đến cuối.

(Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội)

Làm kiểu qua quýt

Tôi có cảm giác nhiều nhà làm phim coi thường khán giả nông thôn, làm phim qua quýt. Khán giả giờ rất tinh, có nhiều chi tiết mà qua đó, họ đọc ngay ra sự thiếu vốn sống của tác giả. Phim “Về quê cưới vợ”, chọn diễn viên quá trẻ, nhân vật Hai Bình xa nhà 20 năm, đáng lẽ lúc trở về phải là một người trung niên, vậy mà đạo diễn chọn diễn viên trẻ măng. Diễn xuất của nhiều diễn viên cứng đơ đơ, giọng lồng tiếng thì quá quen, nhạt nhẽo và vô cảm.

(Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, An Giang)
 
Theo danviet.vn