Nhiều xã ở Thanh Chương gắn bó với cây mía

Nhiều xã ở Thanh Chương gắn bó với cây mía
Là địa bàn có lợi thế trồng cây công nghiệp, Thanh Chương đang phát triển chè, cao su, sắn và mía; trong đó cây mía đã gắn bó với nhiều xã trên địa bàn và đang có tín hiệu tốt.
 
Ông Nguyễn Tiến Long và nhiều hộ dân ở Thôn Trung, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương thu hoạch mía. Ảnh: Trần Đình Hà
 Những ngày nay gia đình anh Nguyễn Tiến Long và nhiều hộ dân ở Thôn Trung, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) rất phấn khởi bước vào vụ thu hoạch mía. Trên diện tích 2 ha ở vùng Trại Hồ mà anh đã đấu thầu của xã trước đây chủ yếu được trồng ngô, khoai nay chuyển sang trồng mía đã cho thu nhập cao hơn hẳn. Anh Long cho biết: “Đây là vùng đất xấu, bạc màu lại xâm canh với xã Thanh Thịnh và Thanh Hương, nên công tác bảo vệ rất khó, nhiều năm bị bỏ hoang, nay tôi và một số hộ dân đã đấu thầu để trồng mía cho thu nhập rất ổn định. Năm nay dự ước mỗi ha đạt khoảng 65 tấn, thu về trên 60 triệu đồng, so với trồng ngô cao hơn hẳn. Cây mía lại có ưu điểm là trồng một lần, nối vụ  sau 3 năm mới phải trồng lại nên tiết kiệm nhiều chi phí, nhân công”.

Sau khi thu hút được một nhà máy tinh bột sắn về hoạt động trên địa bàn từ 15 năm nay mỗi năm toàn huyện đã ổn định từ 2.500 - 3.000 ha sắn. Sắn thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên đây cũng là loại cây trồng làm bạc màu đất và giảm năng suất rất nhanh, thị trường lại phập phù.

Trước tình hình đó huyện Thanh Chương đã phối hợp với Công ty Cổ phần mía đường Sông Con tổ chức trồng mía. Điển hình là việc ông Nguyễn Văn Tuất ở xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ - một cổ đông của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con đã thuê 50 ha đất bãi soi của xã Thanh Văn để trồng mía cho thu nhập hàng tỷ đồng. Tuy nhiên sau vài năm triển khai do được bố trí nhỏ lẻ, manh mún, xa đường giao thông, người dân chưa quen trồng mía nên nhìn chung hiệu quả chưa cao.

Xác định mía vẫn là cây kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương nên những năm gần đây huyện và các xã vẫn đề ra chủ trương trồng mía. Hiện tại, cây mía đã được đưa về các xã có diện tích đất màu lớn như: Thanh Lâm, Thanh Xuân…với tổng diện tích trên 200 ha. Số diện tích này chủ yếu được trồng trên đất trước đây chuyên trồng sắn. Chị Trần Thị Hà ở xóm Xuân Quỳnh, xã Thanh Xuân cho biết: “Mía là loại cây không kén đất, sau nhiều năm trồng sắn đất bạc màu vài năm gần đây chúng tôi chuyển sang trồng mía, không ngờ lại cho năng suất cao, mỗi ha có thể đạt 70 tấn, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì đã tìm được loại cây trồng phù hợp luân canh cây sắn”.

Nông dân Thanh Lĩnh (Thanh Chương) thu hoạch mía. Ảnh: Trần Đình Hà
 Theo ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Sông Con, thì đơn vị vẫn luôn coi Thanh Chương là vùng đất có tiềm năng nhưng cần phải đầu tư tập trung, hình thành vùng nguyên liệu lớn để đưa được các tiến bộ  khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới có hiệu quả. Hiện có một số hộ trồng mía năng suất  đạt 110 tấn/ha. Công ty mong muốn mở rộng diện tích trồng mía ở Thanh Chương và thời gian tới Công ty Cổ phần mía đường Sông Con sẽ hợp tác với các hộ dân ở các xã Phong Thịnh, Thanh Văn, Thanh Lâm để phát triển mía theo hướng trang trại và cơ giới hóa toàn bộ trong khâu làm đất.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương cũng cho biết: Nhằm đa dạng các loại cây trồng, hàng năm huyện vẫn lên kế hoạch trồng mía nhưng chỉ tập trung ở một số xã có diện tích đất màu lớn. Các kết quả bước đầu ở các xã Thanh Xuân, Thanh Lâm làtín hiệu tốt. Huyện sẽ cùng các xã và người dân tiến hành đánh giá kết quả, rà soát lại quỹ đất để giao cho các địa phương trồng mía tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh, thu hoạch chuyên chở sản phẩm. Mía sẽ được trồng để luân canh sắn, phấn đấu đạt 500 ha và cao hơn vào những năm tới.

Với đặc điểm là không kén đất, năng suất, thu nhập ổn định trên 60 triệu đồng/ha, mỗi lần trồng có thể  nối vụ được 3 năm, cây mía vẫn là cây được nhiều xã ở huyện Thanh Chương lựa chọn.

Theo baonghean.vn