Nhức nhối thực phẩm “bẩn”

Nhức nhối thực phẩm “bẩn”
Dù đã được nói nhiều nhưng vẫn nạn thực phẩm “bẩn” vẫn diễn ra thường xuyên và tinh vi hơn. Điều này không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh trong nước.

Số liệu “chết người”

Thực phẩm bẩn

Thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây “tắm” trong hóa chất độc hại… Người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin khi liên tiếp tiếp nhận thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu. Như vụ việc hơn 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần vừa được phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 9 tháng năm 2017, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 8.900 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) với số tiền xử phạt trên 17,7 tỷ đồng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong. Những báo động trên không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Photpho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

 

Giải quyết kẽ hở

Thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều kẽ hở trong công tác kiểm tra, xử lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó chính là cơ hội để những kẻ vô lương tâm, hám lợi gieo rắc tai họa cho người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn vẫn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, từng bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trên thực tế, rất nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, như tiêm thuốc an thần vào heo; sử dụng chất Ethephon để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ; đưa hàn the vào giò chả, dùng đạm ure ướp cá; đưa formaldehyde vào bánh phở... được cơ quan chức năng phát hiện, nhưng mức độ xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Để triệt chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, cần phải có giải pháp ngăn chặn từ gốc, đặc biệt phải tăng thêm mức phạt với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là cần những biện pháp mạnh, kiên quyết đối với những chủ hàng, đầu mối, thậm chí cả chủ doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ, coi thường tính mạng con người. Cũng đã đến lúc phải chỉ đích danh, quy rõ trách nhiệm, đồng thời phải xử lý kiên quyết, triệt để những đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý thực phẩm không an toàn, nhưng vì lợi ích cục bộ mà làm chiếu lệ, tư túi cá nhân, mà coi thường kỷ cương phép nước, coi thường sức khỏe cộng đồng.

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm của tất cả các khâu tham gia trong chuỗi sản xuất đều rất quan trọng. Một sản phẩm đảm bảo ở khâu sản xuất ban đầu nhưng quá trình sơ chế, chế biến kinh doanh không đảm bảo thì thực phẩm đó cũng không đảm bảo an toàn và ngược lại.

Nguồn: nguoichannuoi.com