Những bất cập trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Những bất cập trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), quy hoạch và thực hiện quy hoạch có vai trò quan trọng, nhằm bảo đảm cho việc sử dụng đất và xây dựng hạ tầng thiết yếu, các khu dân cư khu vực nông thôn vừa theo hướng văn minh, hiện đại, vừa giữ được bản sắc văn hóa làng, xã của địa phương.

 

Tuy nhiên thực tế công tác quy hoạch ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập.

Trong các tiêu chí xây dựng NTM, công tác quy hoạch được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau hơn hai năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, cả nước mới có 83,5% số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM. Trong đó cao nhất là các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đạt 99,3%; Nam Trung Bộ đạt 70,1%, Ðông Nam Bộ đạt 27,3%.

Bên cạnh một số địa phương triển khai mạnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch này như: Tỉnh Vĩnh Phúc 112/112 xã đã duyệt xong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Tỉnh Thái Bình 267/267 (100%) số xã đã duyệt xong quy hoạch chung, 80 xã lập xong quy hoạch chi tiết... Cả nước còn ba địa phương có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch thấp dưới 11% là Ðiện Biên, Bình Phước 3%, TP Hồ Chí Minh 11%. Cá biệt có 139 xã của vùng miền núi phía bắc và Ðông Nam Bộ chưa triển khai công tác quy hoạch. Chất lượng đồ án quy hoạch nhìn chung còn thấp, nhiều xã quy hoạch thiếu đồng bộ, không phù hợp với quy hoạch chung của huyện, của vùng. Trong đó đáng lưu ý là quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý chất thải môi trường thiếu thống nhất "mạnh xã nào xã ấy làm".

Qua trao đổi ý kiến với các chuyên gia tại Tổng hội xây dựng Việt Nam, có thể rút ra bốn nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quy hoạch NTM.

Một là, năng lực của các chủ thể tham gia nhiệm vụ quy hoạch từ cấp xã, đến đơn vị trực tiếp lập quy hoạch là các công ty tư vấn, và phê duyệt là cấp huyện còn hạn chế về tổ chức và trình độ. Tại thời điểm triển khai chương trình xây dựng NTM vào năm 2010, trong 181 nghìn cán bộ cấp xã có 0,1% không biết chữ, 48% chưa qua đào tạo, 80% không biết sử dụng máy tính. Trong khi các công ty tư vấn thiếu chuyên gia có năng lực, trình độ hiểu biết về quy hoạch nông thôn, nhất là lĩnh vực thủy lợi, sử dụng đất, kinh tế nông nghiệp, môi trường... đa phần chỉ tập trung quy hoạch điểm dân cư tập trung, một số quy hoạch hạ tầng cơ sở. Có đơn vị tư vấn đảm nhận một lúc quy hoạch 10 xã nên việc khảo sát hiện trạng, định hướng phát triển còn rất hạn chế, dập khuôn, dẫn đến quy hoạch không phù hợp với quy hoạch vùng, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường... giữa các xã thiếu thống nhất, mạnh xã nào xã ấy làm. Vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra đầu bài, thẩm định, xét duyệt cũng như quản lý sau quy hoạch dẫn đến chất lượng hạn chế, hiệu quả thấp.

Hai là, chi phí cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn là rất cao, từ giai đoạn khảo sát, thu thập số liệu, đến giai đoạn lập nhiệm vụ, lập quy hoạch, duyệt quy hoạch, do đó cần khoản kinh phí thực hiện khá lớn: nhưng trong thực tế định mức chi phí thực hiện lại rất thấp, và không có hệ số dành cho các vùng, miền (xã, vùng đồng bằng khác xa xã của vùng núi cao, ven biển...). Trong khi muốn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án lại vướng về thủ tục "giải ngân".

Ba là, các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích, văn hóa, dân tộc phù hợp với đặc điểm của từng vùng còn thiếu cụ thể, gây khó cho công tác lập quy hoạch, nhất là đối với các xã có đặc điểm khác nhau rất lớn: xã ven đô thậm chí trong nội đô, xã có làng nghề phát triển, xã thuần nông, xã vùng đồng bằng, xã vùng ven biển, xã vùng trung du, xã vùng núi cao... Từ đó đặt ra các yêu cầu quy hoạch rất khác nhau, cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng quy hoạch nông thôn còn nhiều hạn chế.

Bốn là, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch NTM, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có những điểm chồng chéo, mâu thuẫn chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến điều kiện nhân lực và kinh phí thực hiện, nhưng lại chậm bổ sung sửa đổi. Thí dụ về tiêu chí giao thông có tới ba "hướng dẫn": Quyết định 315/QÐ - BGTVT ngày 23-2-2011 quy định đường AH là 3,5 m lề đường. Ðường liên xã mặt đường rộng 3 m nhỏ hơn. Sổ tay hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đường trục xã, làng rộng tối thiểu 5-6 m. Ðường trục nông thôn lòng đường tối thiểu 4-5 m. Trong Sổ tay hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì đường trục xã và đường liên thôn bảo đảm mặt cắt đường 9-15 m.

Hay Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT - BNN&PTNT - BKHÐT - BTC, đề cập đến Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã với những thuật ngữ, nội dung khác với quy định trong thông tư của Bộ Xây dựng như gọi "quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cho khu dân cư và hạ tầng công cộng" trong khi Thông tư của Bộ Xây dựng gọi là "quy hoạch chung lưới điểm dân cư, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư".

Theo Quyết định số 800/QÐ-TTg ngày 4-6-2010 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn "Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, trung tâm công nghệ và dịch vụ. Bộ Xây dựng chủ trì hướng dẫn "Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội, môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có". Cho đến nay, hai Bộ vẫn không thống nhất hướng dẫn các quy định này.

Ðể xây dựng NTM, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng hiện có nhiều vướng mắc, bất cập, làm chậm tiến độ thực hiện các tiêu chí khác. Do đó cần có tổng kết đánh giá các mô hình quy hoạch nông thôn mới hiệu quả, từ công tác lập, quản lý và đặc biệt là "mẫu" mô hình tốt để các xã có đặc điểm tương tự học tập, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó rà soát kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu toàn quốc, kịp thời có sự điều chỉnh bảo đảm chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp liên quan đến kinh phí lập quy hoạch cho từng loại hình xã; rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho thống nhất và phù hợp với thực tế; bổ sung các quy định liên quan đến phân cấp quản lý quy hoạch, tăng cường bố trí cán bộ, kinh phí quản lý, kinh phí tổ chức thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn đối với từng loại hình các xã khác nhau. Từ đó ban hành Bộ định mức quy hoạch nông thôn mới, Bộ kiến trúc mẫu nhà ở, bố trí khuôn viên hộ gia đình nông thôn phù hợp với tập quán, văn hóa các dân tộc để người dân lựa chọn, sử dụng.

Công tác quy hoạch NTM không chỉ liên quan đến nhiều tiêu chí khác, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả vùng - huyện. Vì vậy từ khâu lập quy hoạch, đến phê duyệt quy hoạch cần tổ chức thực hiện một cách bài bản, thận trọng, không làm chiếu lệ, cũng không chạy theo thành tích. Ðể giải bài toán nguồn vốn xây dựng NTM, cần tăng cường nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn, trước mắt tập trung hỗ trợ cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM,... tạo chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã, làm tiền đề triển khai thực hiện các tiêu chí NTM khác.

QUỐC TRỊ (Hà Nội)
Theo nhandan.org.vn