Những điểm mới về phân loại nợ xấu
- Chủ nhật - 23/03/2014 04:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Minh họa từ internet |
Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
So với Thông tư 02, Thông tư 09 bổ sung quy định: Các TCTD Việt Nam thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam phát hành để mua nợ xấu của TCTD theo quy định về “Trích lập và sử dụng rủi ro” tại Thông tư số 19/2013/TT-NHNN và những văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư này (nếu có).
Bên cạnh đó, Thông tư 09 đã sửa đổi khoản 9 (Điều 10) của Thông tư 02 thành: “Đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật (quy định tại điểm c (iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư này) tại thời điểm phát hiện vi phạm, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ra ngay quyết định thu hồi phần dư nợ vi phạm pháp luật.
Đối với các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ra quyết định thu hồi phần dư nợ theo kết luận thanh tra.
Đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật (quy định tại điểm c (iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư này), các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trong thời gian chưa thu hồi được theo quyết định thu hồi, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo qui định tại Thông tư này”.
Bên cạnh đó, Thông tư 09 cũng bổ sung khoản 10a vào Điều 9 như sau: “Trường hợp một khoản nợ vi phạm pháp luật (quy định tại các điểm c (iv), d (iv), đ (v) khoản 1 Điều 10 Thông tư này hoặc một khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra quy định tại các điểm c (v), d (v), đ (vi) khoản 1 Điều 10 Thông tư này) được phân loại vào các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phân loại khoản nợ đó vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất”.
Đặc biệt, Thông tư 09 đã bổ sung khoản 3a vào Điều 10 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 31/3/2015).
Trong khoản này, NHNN cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng đủ điều kiện (không vi phạm qui định pháp luật, phù hợp với mục đích dự án, khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, có phương án khả thi mới về trả nợ, v.v...).
Trong trường hợp này, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện nhất định (điểm b trong khoản 3a này).
Với những nội dung điều chỉnh như trên, Thông tư 09 đã nới lỏng quy định về đánh giá, phân loại nợ xấu so với quy định tại Thông tư 02.
Trong đó, mục tiêu lùi thời hạn phân loại nợ (khoản 3a Điều 10) là tránh đẩy tỉ lệ nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng và khả năng mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thông tư 09 chấm dứt hiệu lực của Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 vốn trao thẩm quyền rộng rãi cho các TCTD trong việc điều chuyển các nhóm nợ.
Hoàng Thế Thỏa
Nguồn: baodientuchinhphu