Những nhà nông tài ba xứ Nghệ

Những nhà nông tài ba xứ Nghệ
Hiểu rõ thế mạnh trời ban, người dân xã Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) luôn kiên định bám trụ với ruộng đồng. Nơi đây mỗi tấc đất tựa tấc vàng, nguồn tư liệu sản xuất sẵn có mang lại cơm ăn áo mặc, giúp bà con có cuộc sống đủ đầy.
16-59-56_nh_1
Trồng rau màu giúp người dân Nam Anh có cuộc sống khấm khá.

Nhiều hộ thu nhập đến 120 triệu đồng/năm, những trường hợp ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hoàn toàn có thể đút túi dăm trăm triệu đến cả tỷ đồng.  

Nhà nhà làm nông

Nói đến thế mạnh của vùng, Chủ tịch xã Nam Anh, Hồ Viết Sỹ hồ hởi: “Địa phương chúng tôi có trên 650ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó phân nửa quỹ đất dạng bậc thang, rất chủ động trong quá trình tưới tiêu. Tận dụng lợi thế đó người người nhà nhà tham gia trồng màu, hiện toàn xã có khoảng 85% số hộ gắn bó với mô hình này. Thương hiệu rau sạch Nam Anh ngày một vang xa, cuộc sống của người dân sung túc hơn”.

Sở hữu vốn liếng kinh nghiệm đầy đặn, cộng với bản tính hay lam hay làm nên xuyên suốt quá trình thực hiện, từ khâu chuẩn bị, cho đến lúc xuống giống, chăm bẵm hay sau cuối là công tác thu hoạch được hình thành mối liên kết bền chặt.

Đã thành thông lệ, vụ Xuân nông dân trong vùng lại chú trọng trồng dưa chuột, mướp đắng, bí xanh. Sang Hè Thu tập trung vào “mỏ vàng” hoa lý, kết hợp một số ít diện tích cà tím, cà hoa. Đông đến lại ưu tiên bắp cải, su hào, súp lơ. Luôn phiên gối vụ, mùa nào thức đó, quanh năm suốt tháng trên đất màu Nam Anh luôn hiện hữu những mầm xanh tươi tốt.

Ông Trần Văn Nam, cán bộ nông nghiệp xã khẳng định: “Những năm gần đây Nam Anh thực hiện sâu sát chủ trương, Nghị quyết 06 của Huyện ủy Nam Đàn về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất, ứng dụng NNCNC nhằm mục tiêu gia tăng giá trị hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân. Kết quả thực tế cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng, nhìn chung người dân toàn xã có cuộc sống ổn định nhờ bám trụ với ruộng đồng”.

Hiệu quả nhất phải kể đến mô hình trồng hoa lý trên quy mô 65 ha, thu hút khoảng 800 hộ tham gia. Thông thường bà con xuống giống từ vụ Đông, sau khoảng 4 tháng tích cực chăm bẵm sẽ tiến hành thu hoạch. Công đoạn này kéo dài tận 5 tháng, bình quân 3 ngày thu hái/lần, mỗi lần đều đặn thu về 60 kg sản phẩm/sào.

“Hiện giá bán dao động quanh mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm vọt lên 40.000 đồng/kg, chung quy 1 sào hoa lý bằng cả mẫu lúa chứ chẳng chơi, nông dân hồ hởi cũng đúng”, ông Nam dẫn chứng.

Bình quân mỗi hộ trồng màu cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm, nhiều nhà sở hữu quỹ đất lớn đút túi gấp nhiều lần con số đó, đạt trên dưới 120 triệu. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Thành Lâm (xóm 8), Trương Văn Minh (xóm 2), Bùi Đình Trung (xóm 7), Lê Cảnh Ngụ (xóm 5)...  

Xu thế NNCNC

Hòa theo xu thế mới, một số mô hình ứng dụng NNCNC đã được triển khai trên địa bàn xã Nam Anh. Dù còn khá mới mẻ nhưng hiệu quả mang lại là điều khó phủ nhận, về lâu dài đây sẽ là hướng đi đầy khả quan.

Thuộc diện “tài không đợi tuổi”, nhắc đến Lê Cảnh Hiếu, chàng trai thế hệ 9X sinh ra và lớn lên ngay chính mảnh đất thuần nông này, ai nấy đều phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Ở Hiếu có khát khao, nghị lực tuổi trẻ, có bản lĩnh tiên phong mở lối và cả sự sáng tạo hơn người.

16-59-56_nh_2
Anh Lê Cảnh Hiếu tiên phong ứng dụng mô hình NNCNC.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn tại Đại học Vinh, nhờ đạt kết quả vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa Lê Cảnh Hiếu vinh dự được đi thực tập sinh nông nghiệp tại Israel theo chương trình của Bộ NN-PTNT. Sau 1 năm làm việc, trải nghiệm nơi đất khách quê người, Hiếu về nước bắt tay cùng một người bạn mở công ty chuyên về mảng giống cây trồng tại địa bàn Hà Tĩnh.

Qua một thời gian tìm hiểu thị trường, nhận thấy vốn liếng kinh nghiệm thực tiễn đã khá đủ đầy, Lê Cảnh Hiếu về lại quê hương, thầu đất khởi nghiệp quyết đưa thương hiệu rau sạch Nam Anh lên một tầm cao mới. Trên tinh thần đó, Hiếu tiến tới thành lập Hợp tác xã Thanh niên Nam Đàn với tổng cộng 9 thành viên cùng chung quan điểm và khao khát, bản thân Hiếu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Hợp tác xã dù tuổi đời còn non trẻ nhưng với cách thức phù hợp đã nhanh chóng liên kết được các trang trại sản xuất rau củ quả an toàn trong và ngoài địa bàn, qua đó hình thành thành chuỗi sản suất đồng bộ, đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn về VSATTP, trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho số đông người tiêu dùng.

Xác định “chất lượng là thước đo chuẩn xác nhất” nên tất cả các công đoạn đều được thực hiện chi ly và hết sức kỹ lưỡng. Làm thật ăn thật, bởi thế nguồn hàng làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận. Hằng năm HTX xuất bán hơn 30 tấn rau củ quả (dưa chuột Maya của Israel, dưa lưới, dưa lê...).

Không dừng lại ở xuất phát điểm ban đầu, hiện tại Hiếu đã nhân rộng thêm mô hình trồng ổi Đài Loan quy mô hơn 10ha, đồng thời đứng ra cung cấp cây giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho chính bà con. Chưa kể còn xây dựng thành công mô hình sản xuất cam, bưởi cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán hàng năm...

Chia sẻ hướng đi trong thời gian tới, Hiếu nói: “Ứng dụng NNCNC khác với cách làm thông thường, đòi hỏi phải kết hợp hài hòa rất nhiều yếu tố, nếu không tính toán hợp lý nguy cơ thất bại là khó tránh khỏi. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu, nếu có cơ hội tôi sẽ tiến tới mở rộng quy mô để tăng năng suất và đa dạng hóa sản phẩm. Trong xu thế mới người dân chú trọng đến chất lượng chứ không quá quan trọng về số lượng như trước, tin tưởng mình làm bằng cái tâm thì mọi nút thắt đều có hướng tháo gỡ, thành công sớm muộn cũng sẽ tới”.

Chất lượng là minh chứng, kết quả là thước đo. Cách làm của Lê Cảnh Hiếu nhanh chóng tạo nên hiệu ứng dây chuyền mạnh mẽ, qua đó tiếp thêm động lực cho nhiều cá nhân, tập thể tại địa phương mạnh dạn thử sức với NNCNC.

Trong số đó phải kể đến trường hợp của anh Nguyễn Kim Nam, trú ở xóm 3, xã Nam Anh. Không sao y bản chính, anh Nam chọn cách thức trồng rau thủy canh vốn còn kén người làm, đây là phương thức không cần đất, không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, được tưới bằng mạch ngầm tự động. Mới mẻ dĩ nhiên đi kèm với nhiều rủi ro, nhưng trước sau anh Nam vẫn kiên định với lập trường của mình: “Không dám thử sao biết thành công hay thất bại”.

16-59-56_nh_3
Mô hình của anh Nguyễn Kim Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định.

Nghĩ là làm, đầu 2018 anh huy động vốn, đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng trên quy mô diện tích 600m2 cùng hệ thống thủy canh hồi lưu, chuyên trồng các loại rau ăn lá. Hạt giống sau 4 - 5 ngày ươm mầm trong mút xốp sẽ hình thành cây con, kế đó sẽ được trồng trong cốc và đặt trong hệ thống giá đỡ...

Lợi thế của phương pháp trồng rau thủy canh là triển khai được nhiều vụ trong năm, thậm chí trồng trái vụ cũng cho sinh lợi. Đặc biệt, rau thủy canh không sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học gây hại nên sản phẩm sạch, đồng nhất 100%, rất giàu dinh dưỡng và tươi ngon.

“Bên cạnh nguồn giống thì giá thể đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là thành phần xơ dừa. Nếu thuân tủ nghiêm ngặt các bước, triển khai theo đúng hướng dẫn thì kỹ thuật thì sau 23 ngày có thể cho thu hoạch”, anh Nam chia sẻ.

Ban đầu sản phẩm chính trong hệ thống của gia đình là rau cải canh, cải bó xôi, cải ngọt và rau muống. Lúc này anh Nam đã đưa một số loại cây trồng khác như dưa lưới Hàn Quốc, dưa chuột bao tử vào thử nghiệm, kết quả bước đầu rất khá.

“Đến thời điểm này tôi hoàn toàn tự tin về mức độ hiệu quả của mô hình mang lại. Ứng dụng NNCNC vào sản xuất làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn, đồng thời giúp người trồng đẩy nhanh quá trình thu hồi đồng vốn. Khó khăn nhất là tìm kiếm mặt bằng phù hợp để nhân rộng mô hình...”, anh Nam tiếc hùi hụi.
Theo Việt  Khánh/nongnghiep.vn