Những thuận lợi và khó khăn trong công tác triển khai quy hoạch nuôi tôm trên cát

Những thuận lợi và khó khăn trong công tác triển khai quy hoạch nuôi tôm trên cát
Có thể nói chưa bao giờ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Hà Tĩnh lại được quan tâm mạnh mẽ như hiện nay. Các cấp chính quyền vào cuộc bằng những quyết sách cụ thể về chiến lược và định hướng phát triển, các nhà đầu tư, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm bằng sự mạnh dạn khảo sát đăng kí xin thuê đất để đầu tư nuôi tôm trên cát theo hướng thâm canh, công nghệ cao... Mặc dù nuôi tôm trên cát (NTTC) trong quá trình phát triển có nhiều thời cơ và thuận lợi nhưng cũng chứa đựng không ít những khó khăn và thách thức.

Để phát huy tiềm năng lợi thế, chớp thời cơ, vượt qua thách thức và khống chế khó khăn tạo năng lực cạnh tranh, đồng thời đặt nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai thì việc lựa chọn đối tượng nuôi và hình thức nuôi phù hợp kết hợp đầu tư khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa là một hướng đi thích hợp.
1. Thời cơ và những thuận lợi
- Hoạt động sản xuất nuôi tôm luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh và các cấp chính quyền, một loạt các chính sách khuyến khích phát triển NTTC được ban hành là tiền đề quan trọng cho việc phát triển mạnh mẽ phong trào NTTC: Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển Nuôi tôm trên cát tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 5/7/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2020 định hướng đến năm 2030... 
- Là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nghề NTTC, với 980 ha đất cát ven biển được quy hoạch vào NTTC kết hợp với sự hoạt động hiệu quả của nhiều mô hình nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh trong những năm gần đây tạo động lực cho sự phát triển. 
- Toàn tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới, đã tác động mạnh mẽ tới phong trào sản xuất của địa phương là nhân tố quan trọng cho phát triển NTTC, nhất là các mô hình công nghiệp, công nghệ cao có tính chất hàng hóa và khả năng kết nối thị trường.
- Các vùng đất cát, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả ven biển Hà Tĩnh được quy hoạch để NTTC thường ít bị ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng khác, triển khai các dự án chuyển đổi đền bù ít, giải phóng và hoàn trả mặt bằng nhanh, thi công các hạng mục công trình thuận lợi.
- Nuôi tôm trên cát hoàn toàn chủ động, lấy nước không phụ thuộc thủy triều mà trực tiếp từ biển có độ trong sạch cao, nền ao lót bạt ny lông chống thấm và nằm ở vùng cao triều nên việc xử lí làm sạch ao rất triệt để, quá trình nuôi thường xuyên xi phông, kết thúc vụ nuôi xử lí mầm bệnh triệt để do đó hạn chế được dịch bệnh.
- Công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học phát triển nhanh và mạnh, đã tạo cơ hội cho việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào phát triển nghề NTTC tại Hà Tĩnh. 
- Việt Nam đã gia nhập WTO, đây là cơ hội lớn để mở rộng thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các nước xuất khẩu cùng các mặt hàng thủy sản. Đến năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 91 thị trường chính và tiếp tục mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác. 
- Nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm, kỹ thuật tạo thuận lợi trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
2. Khó khăn và thách thức chủ yếu
- Môi trường bị biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm.
- Nước ta là một trong 5 nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, về lâu dài nếu không có phương án đối phó vùng ven biển nơi diễn ra các hoạt động NTTC của Hà Tĩnh không tránh khỏi những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra. Cần tìm ra mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển.
- Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân.
- Giá cả nguyên, nhiên vật liệu chính dùng trong sản xuất thủy sản đang có xu hướng gia tăng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
- Suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới được dự báo sẽ diễn ra thường xuyên và tần suất cao hơn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực nuôi tôm. Đặc biệt trong năm 2012 giá tôm nguyên liệu giảm mạnh trong khi chi phí đầu tư tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận và tâm lí các nhà đầu tư.
- Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang NTTS trên cát là một nghề đòi hỏi có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, trong khi những vùng này cơ sở hạ tầng chủ yếu như đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp và thoát nước,... hầu như chưa có gì. Do vậy cần có sự hỗ trợ của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành.
- Dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, khó khống chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển nghề nuôi tôm trên cát tại địa phương.
- Nguồn giống tôm đảm bảo chất lượng trên thị trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nghề NTTC./.

 

Lê Thị Thanh Thúy - Chi cục Nuôi trồng thủy sản
Nguồn: sonongnghiephatinh.gov.vn