Những vụ bịa đặt “không tưởng” của báo chí thế giới

Dưới đây là những vụ bê bối, bịa đặt “ê chề” nhất từng xảy ra trong giới báo chí, truyền thông quốc tế.
 

Tờ Boston Globe (Mỹ) đăng tải ảnh thời sự… giả

Những vụ bịa đặt “không tưởng” của báo chí thế giới

Năm 2004, tờ Boston Globe (Mỹ) đã đăng tải trên ấn bản báo in một số bức ảnh có nguồn gốc từ một trang web “đen”, những bức ảnh cắt ghép này ban đầu đã được rêu rao trên mạng rằng chúng ghi lại cảnh một số binh lính Mỹ đang cưỡng hiếp những người phụ nữ Iraq. Ngay sau khi những bức ảnh này xuất hiện, nhiều hãng tin của Mỹ đã chứng minh được đây là ảnh giả.

Một tuần sau khi những bức ảnh giả này xuất hiện, một tờ báo uy tín như Boston Globe lại sử dụng những hình ảnh đã bị khẳng định là giả này để đưa tin, như thể họ không hề hay biết gì về những tranh cãi lùm xùm đã diễn ra cả tuần trước đó.

Phóng viên của Washington Post thêu dệt chuyện một đứa trẻ nghiện ma túy

Những vụ bịa đặt “không tưởng” của báo chí thế giới

Nhiều độc giả của Mỹ vẫn còn nhớ vụ lùm xùm năm 1980 khi phóng viên của tờ Washington Post - Janet Cooke thực hiện bài viết về cậu bé Jimmy 8 tuổi bị nghiện ma túy.

Bài viết ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của cảnh sát Mỹ, họ quyết tìm cho ra cậu bé đó nhưng hóa ra câu chuyện được viết nên bằng trí tưởng tượng của nhà báo Janet Cooke. Sau đó, Cooke đã phải tự xin trả lại giải Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ - giải thưởng mà cô có được nhờ bài viết về cậu bé Jimmy “giả tưởng”.

Ngoài ra, các biên tập viên của Washington Post còn đồng loạt quay lưng lại với nữ phóng viên này vì những thông tin “tiền hậu bất nhất” trong sơ yếu lý lịch, Cooke đã “thổi phồng” những bằng cấp, thành tích học tập của mình khi nộp hồ sơ vào làm tại Washington Post.

Phóng viên “ngồi một chỗ viết bài hiện trường” của tờ New York Times

Những vụ bịa đặt “không tưởng” của báo chí thế giới

Năm 2003, phóng viên 27 tuổi Jayson Blair của tờ New York Times - một trong những tên tuổi đang lên của tờ báo khi đó - đã bất ngờ bị tố giác về tội “xào bài”, thêu dệt thông tin trong ít nhất 36 bài báo.

Một cuộc điều tra nội bộ đã cho thấy Blair tự sáng tạo ra những cái tên, những câu trả lời phỏng vấn của các nhân vật, những miêu tả hiện trường… dù thực sự Blair chưa hề đặt chân tới hiện trường hoặc gặp gỡ những nhân vật đó.

Ngồi một chỗ nhưng phóng viên Blair vẫn giả vờ rằng mình đang gửi tin bài về tòa soạn từ “hiện trường”. Khi cần miêu tả cảnh tượng ở hiện trường vụ việc, Blair nhặt nhạnh tình tiết từ những báo khác, lựa chọn chi tiết từ những bức ảnh đã được báo chí đăng tải, để miêu tả sự việc “y như thật”.

Sau khi bị phát giác, Blair đã phải xin nghỉ việc, trước đó, anh này đã công tác tại New York Times 4 năm và là một phóng viên có sản lượng tin bài cao. Ngoài ra, giám sát biên tập và quản lý biên tập của New York Times cũng phải từ chức vì Blair. Trước lùm xùm này, New York Times đã tự nhận rằng vụ việc là một vết đen trong “lịch sử 152 năm đưa tin của tờ báo”.

Hãng tin Fox News đăng tin sai sự thật về việc ông John Kerry “sửa móng”

Vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2004, phóng viên chuyên đưa tin chính trị Carl Cameron của hãng tin Fox News (Mỹ) đã đưa ra nhiều tình tiết sai sự thật, mang tính chế giễu đối với chính trị gia tranh cử Tổng thống - ông John Kerry.

Trong bài viết của mình, Cameron khẳng định rằng ông John Kerry đã dành thời gian cho việc sửa móng trước buổi tranh luận giữa các ứng viên tranh cử. Khi sửa móng xong, ông John Kerry đã rất “hả hê” với bộ móng mới và nói những câu như: “Có phải móng tay của tôi trông rất tuyệt phải không? Sẽ là một cuộc tranh luận hay đây!... Phụ nữ nên giống như tôi! Tôi cũng phải làm móng đây này”.

Đương nhiên những tình tiết này là sai sự thật, vì vậy, ngay sau đó, bài viết đã bị rút xuống và thay vào đó là một lời xin lỗi từ Fox News vì đã xuất bản một bài viết đưa tin không đúng đắn.

Đài NBC “dàn dựng” vụ nổ phát trên sóng truyền hình

Trong một buổi phát sóng của chương trình “Dateline NBC” hồi năm 1992, bản tin đã đưa ra một số nghi vấn đối với vấn đề an toàn của một dòng xe tải có tiếng tại Mỹ.

Để minh chứng cho những lập luận của mình, ê-kíp thực hiện chương trình đã dàn dựng một vụ đâm xe thử nghiệm, điều này là hoàn toàn hợp pháp, chỉ có điều, họ đã gài thêm chất gây cháy nổ lên xe để hậu quả vụ việc thêm trầm trọng, nặng nề, đưa lại những ấn tượng mạnh đối với người xem.

Ngay khi phát hiện ra sự dàn dựng không trung thực này, đơn vị sản xuất dòng xe tải bị phản ánh trong chương trình đã kiện NBC ra tòa vì đưa tin không trung thực, khi đó, Giám đốc Tin tức của NBC đã buộc phải từ chức.

Phóng viên ảnh của Reuters chỉnh sửa ảnh chiến trường

Năm 2006, hãng tin Reuters đã loại bỏ 920 bức ảnh của phóng viên ảnh người Lebanon - Adnan Hajj vì hai lần anh này vi phạm nguyên tắc làm nghề trong quá trình đưa tin về cuộc xung đột giữa Israel và Lebanon.

Việc loại bỏ ảnh của Adnan Hajj đã diễn ra sau khi người ta phát hiện ra rằng có hai bức ảnh của Hajj đã được chỉnh sửa Photoshop dù tiêu chí hàng đầu của ảnh chiến trường là phải trung thực phản ánh sự việc.

Sau quá trình cộng tác kéo dài 10 năm giữa Hajj và Reuters, chỉ vì 2 bức ảnh có qua chỉnh sửa mà tất cả những ảnh của Hajj từng được Reuters sử dụng trước đó đều bị loại bỏ để tránh mọi khả năng xảy đến từ việc độc giả tố cáo ảnh chiến trường bị Photoshop.

Bản tin bịa đặt của kênh Sky News

Tháng 4/2003, kênh tin tức Sky News (Anh) phát sóng một bản tin được thực hiện bởi ê-kíp do phóng viên James Forlong đứng đầu, được ghi hình từ tàu ngầm nguyên tử của Anh HMS Splendid. Nội dung của bản tin là ghi lại trực tiếp quá trình phóng một tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp ở vùng vịnh Ba Tư thời còn diễn ra cuộc chiến tranh Iraq.

Bản tin bao gồm cảnh những thành viên trong ê-kíp làm tin đưa ra những thông tin chi tiết về quá trình phóng tên lửa và đặc biệt có cảnh một thành viên trong ê-kíp nhấn vào một nút lớn màu đỏ có chữ “Fire” (Bắn), sau đó là cảnh tên lửa lao lên khỏi mặt nước, bay vào không trung.

Bản tin này hóa ra là… giả, ê-kíp làm tin của Sky News đã không hề có mặt trên tàu ngầm khi tàu rời cảng, những cảnh trong bản tin đã được ghi lại khi tàu còn đang neo đậu ở cảng. Cảnh tên lửa lao lên khỏi mặt nước được lồng ghép vào bản tin, đó là clip có sẵn trong “kho clip”.

Bản tin “gian dối” của Sky News đã bị phát hiện khi một ê-kíp khác của BBC nhận thấy rằng với công nghệ mới, giờ đây tên lửa được phóng đi bằng một cú click chuột chứ không phải nhấn vào nút đỏ nào hết.

Ngay sau khi BBC phanh phui bản tin, người đứng đầu ê-kíp sản xuất bản tin của Sky News - James Forlong và người sếp trực tiếp quản lý anh này đã bị đình chỉ công tác. Sau đó, Forlong xin thôi việc. Tháng 10/2003, Forlong tự sát tại nhà riêng. Tháng 12/2003, Sky News bị nhà chức trách phạt 50.000 bảng (1,7 tỉ đồng) vì vi phạm tính chính xác trong thông tin báo chí.

Theo Baohatinh.vn