Nỗ lực giữ chuẩn nông thôn mới

Lai Châu là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu ở miền núi phía bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM), với 20 xã đã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, một số xã NTM có nhiều tiêu chí đã đạt, nhưng kém bền vững, có nguy cơ mất chuẩn. Vì vậy, giữ vững và nâng cao các tiêu chí ở các xã NTM đang là vấn đề được chính quyền các cấp ở Lai Châu hết sức quan tâm.

 


Người dân xã Bản Giang, huyện Tam Đường làm đường giao thông nông thôn.

Nhiều tiêu chí đạt chuẩn thấp

Xã Bản Bo (huyện Tam Đường) đã đạt chuẩn NTM được hơn hai năm. Đến nay, bộ mặt của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân chuyển biến tích cực, đồng bào không còn ỷ lại, đã biết tự vươn lên trong lao động, sản xuất… Tuy là xã NTM, song chính quyền địa phương vẫn phải đau đầu với việc tìm hướng đi để nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, qua đó giữ chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới.

Theo bộ tiêu chí mới mà Chính phủ ban hành cuối năm 2016 thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã chuẩn NTM dưới 12%, mức thu nhập bình quân mỗi người hằng năm phải đạt 36 triệu đồng. Thế nhưng, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Bo vẫn còn hơn 40%. Thu nhập bình quân năm 2016 của xã mới ở mức 20 triệu đồng/người/năm. Như vậy, để bảo đảm theo tiêu chí mới, mỗi năm Bản Bo cần phấn đấu giảm khoảng từ 7 đến 10% số hộ nghèo, đồng thời thu nhập bình quân đầu người mỗi năm phải tăng thêm từ bốn triệu đồng trở lên. Không chỉ Bản Bo, một xã khác của huyện Tam Đường là xã Bản Giang mặc dù đã đạt chuẩn NTM, song đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 30%, bình quân thu nhập đầu người năm 2016 chưa đầy 18 triệu đồng.

Hay như xã Hua Nà (huyện Than Uyên), mặc dù không quá lo lắng về vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo, hay tăng nhanh mức thu nhập, nhưng khi đạt chuẩn NTM, xã chỉ đạt 70% tiêu chí về vệ sinh môi trường. Nguy cơ mất chuẩn ở tiêu chí này khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và giữ vững danh hiệu xã NTM. Trong khi đó, tại xã Sang Thang (TP Lai Châu), dù thuộc tốp đầu về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%, song chính quyền địa phương lại luôn phải trăn trở để tìm giải pháp bảo đảm môi trường trong toàn xã và giảm dần tệ nạn xã hội, sinh con thứ ba ở một số bản thuộc đồng bào dân tộc Giáy...

Nếu căn cứ theo tiêu chí đạt chuẩn NTM của bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ mới ban hành thì trong 20 xã NTM hiện nay, Lai Châu chỉ có năm xã bảo đảm được tiêu chí thu nhập tính bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Lai Châu Hà Văn Um cho biết: Song song với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới theo mục tiêu đã đề ra, Lai Châu tập trung các nguồn lực để duy trì, giữ vững, nâng cao các tiêu chí tại 20 xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó ưu tiên hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, còn yếu. Củng cố các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, chú trọng giải quyết vấn đề môi trường… Đồng thời, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phân vùng, khoanh vùng sản xuất, lựa chọn các loại cây, con phù hợp có giá trị kinh tế cao để sản xuất… tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững…

Nỗ lực giữ chuẩn NTM

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Thành ủy TP Lai Châu Vương Văn Thắng cho biết: Mặc dù không có nghị quyết riêng về vấn đề giữ chuẩn NTM cho các xã của thành phố, tuy nhiên, trong cả 10 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy có đến bảy nghị quyết tập trung ổn định, phát triển mọi mặt đời sống của người dân thành phố. Việc cả hệ thống chính trị thực hiện tốt mục tiêu các nghị quyết, giúp người dân có cuộc sống ổn định chính là góp phần giúp các xã giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí về NTM.

Tại xã Sang Thang, qua trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mạnh Sơn, chúng tôi được biết: Ngoài việc chuyển đổi sức kéo nông nghiệp sang cơ giới hóa, xã tổ chức nuôi nhốt tập trung nhằm giảm dần tình trạng gia súc phóng uế bừa bãi, và lập ở mỗi bản một tổ thu gom rác thải tập kết vào bãi xử lý chung của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ, còn lại các hộ tự đóng góp kinh phí chi trả cho các tổ này hoạt động. Nhờ đó mà tiêu chí môi trường của xã đã được giữ vững và nâng cao. Để duy trì bảo đảm được tiêu chí an ninh trật tự, xã cũng đã vận dụng hiệu quả Nghị quyết số 10 của Thành ủy về việc đưa chi bộ về giúp các bản, trong đó tất cả các bản phức tạp về an ninh trật tự đều được các chi bộ thuộc Đảng ủy công an thành phố trực tiếp xuống giúp đỡ. Nhờ vậy, đã tham mưu giúp xã, bản làm tốt công tác phát hiện đấu tranh với tội phạm, an ninh trật tự được giữ vững, tiêu chí NTM được củng cố, kiện toàn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn, để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, Đảng ủy xã đã chỉ đạo bà con tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây con chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu chè để mở rộng diện tích nhằm tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Tính đến thời điểm này, ngoài gần 800 ha diện tích cây lương thực, xã còn có hơn 300 ha chè đang cho thu hoạch. Hiện xã vẫn đang tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích vùng chè kim tuyên chất lượng cao theo quy trình chế biến VietGAP, tạo vùng nguyên liệu giá trị cao cung cấp cho các nhà máy chế biến chè tại địa phương. Đồng thời, vận động bà con đẩy mạnh trồng các loại cây màu tăng vụ, trồng mắc ca xen trên nương chè, tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại… qua đó tạo nguồn thu đa dạng và ổn định cho người dân.

Tại Bản Giang, với thế mạnh là vùng cây ăn quả, vùng trồng mía, chăn nuôi tập trung và vùng nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm tươi sống cho nhu cầu của tỉnh, chính quyền xã đã hướng cho người dân tập trung vào thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tạo nông sản hàng hóa chất lượng cao cho thu nhập ổn định. Đồng thời, tận dụng nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu, sự tham gia đóng góp tích cực của người dân để tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã ổn định, duy trì và giữ vững các tiêu chí đạt thấp…

Còn tại xã Hua Nà, để bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, huyện Than Uyên đã đầu tư 50 lò đốt rác để thu gom, tập kết và xử lý tại chín bản của xã. Mỗi tuần từ hai đến ba lần, người dân thu gom rác trong gia đình, trong bản đem đến các lò đốt rác của bản để xử lý. Tại đây, các loại rác hữu cơ như: vật liệu làm từ giấy, sợi, thực phẩm thừa, túi ni-lông… sẽ được phân loại đưa vào lò đốt. Mô hình này sau khi được triển khai đã được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Anh Lò Văn Hương ở bản Đán Đăm, xã Hua Nà chia sẻ: Có lò đốt, rác được thu gom xử lý, cho nên ý thức giữ vệ sinh chung của bà con trong bản được nâng cao, đường làng ngõ xóm nhờ đó mà sạch sẽ hơn nhiều.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành được các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa và đã có một số doanh nghiệp tham gia chế biến tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Việc quy hoạch phát triển các vùng được gắn với thực tế địa phương và định hướng phát triển NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với những thay đổi trong nhận thức, hành động của chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân, tin rằng Lai Châu sẽ thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Theo TRẦN TUẤN/ bao nhandan.com.vn