Nóng chuyện rau vụ Đông ế thừa

Nóng chuyện rau vụ Đông ế thừa
ừ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, giá bán củ cải ngọt, su hào liên tục giảm khiến hàng trăm hộ nông dân ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) và xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ (Hải Dương) phải nhổ bỏ đem đi tiêu hủy.

1.000 tấn củ cải cần tiêu thụ gấp

Theo ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt: Toàn xã có 304ha sản xuất rau, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao (khoảng 200ha, trong đó có 80ha củ cải. Hiện, có khoảng 20ha đang cho thu hoạch, sản lượng 1.120-1.500 tấn, đang bị ứ đọng, cần phải tiêu thụ gấp trong 10-15 ngày tới. Ngoài ra, tại ruộng vẫn còn khoảng 20ha đang ở giai đoạn cây non, 20ha đang ra hoa nhưng bị nhổ bỏ, gây thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Hiện giá củ cải bán tại ruộng khoảng 1.500-2.000 đồng/kg, củ cải già dùng để sấy khô, muối thấp nhất là 1.000 đồng/kg.

3_191438.jpg
Người dân Tráng Việt xót xa nhổ củ cải vứt đi.

Nguyên nhân giá củ cải giảm là do thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển nhanh, năng suất cao. Sau Tết Nguyên đán các cơ quan, xí nghiệp, chợ dân sinh tiêu thụ chậm, trong khi đó, có tới 95% lượng rau tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối; vào các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể chỉ chiếm 3 - 5% sản lượng nên bà con hay bị ép giá.

Dù đã quá vụ thu hoạch nhưng su hào của bà con ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương vẫn còn nguyên ở trên đồng do không ai thu hái. Thậm chí, có ruộng còn bị bà con phá bỏ, bởi từ Tết đến giờ giá su hào xuống quá thấp, không bõ công người dân thu hái.

Phải tự tay đổ bỏ những củ su hào do mình dày công chăm sóc, ông Hùng (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương) không khỏi xót xa. Nhà có 2 mảnh ruộng trồng su hào, ông đã phải cho không thương lái 1 ruộng, nhưng đến ruộng này thương lái không lấy nữa, ông đành phá bỏ. Mất đến 5 ngày trời, ông mới phá xong ruộng su hào.

Những ngày này trên khắp các cánh đồng thôn Xuân Nẻo đâu đâu cũng thấy su hào bị nhổ bỏ. Từ sau Tết giá su hào xuống thấp, thương lái ngừng thu mua, không còn cách nào, bà con đành phá bỏ để trồng cây khác.

Để trồng được 1 củ su hào, người dân phải mất 2 tháng chăm sóc. Chỉ tính riêng tiền giống đã mất 200 đồng/củ, thế nhưng thương lái thu mua với giá chỉ 200 - 300 đồng/củ, thậm chí có nơi thương lái ngừng thu mua.

Trong khi bà con ở Hải Dương phải nhổ bỏ su hào, cách đó chỉ chừng 60km, tại các chợ cóc Hà Nội, su hào vẫn được bán với giá 3.000 đồng/củ. Điều này cho thấy, khi qua các khâu trung gian, giá su hào đã được đẩy lên cao, mang lại lợi nhuận lớn, trong khi người tiêu dùng và bà con nông dân phải chịu thiệt.

7_171995.jpg
Su hào vứt đầy đường trên địa bàn xã Hưng Đạo. Ảnh:baohaiduong.

Định hướng lại sản xuất

Ông Nguyễn Mạnh Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt, lo lắng: Trong tuần tới, lượng rau thu hoạch rất lớn nhưng xã cũng chưa có cách nào tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) lại cho rằng, để dẫn đến tình trạng này là do thông tin của hợp tác xã đến với doanh nghiệp chưa rõ ràng. Fivimart đã thu mua các mặt hàng rau, củ quả ở thôn Đông Cao 5 năm nay, nếu như sản lượng củ cải nhiều, hàng hóa dồn ứ, hợp tác xã nên thông tin nhanh "giải cứu” bán ra với số lượng nhiều hơn so với ký hợp đồng.

“Các sở ngành cần hỗ trợ hợp tác xã đầu tư máy sấy củ cải, để tiêu thụ quanh năm chứ không phải tiêu thụ dồn ứ và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời cần khuyến khích người dân phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng với nhu cầu của siêu thị, chứ không nên chỉ trồng một loại như hiện nay”, bà Hậu nói.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc siêu thị Big C Garden, cam kết: “Trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10-15 tấn củ cải, về lâu dài siêu thị sẽ có những ký kết hợp đồng với hợp tác xã”.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Công ty Tâm Thành cho rằng: Doanh nghiệp không thể chủ động bán hàng cho người tiêu dùng mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Về lâu dài, doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn cho người dân lập kế hoạch sản xuất hợp lý, trồng theo nhu cầu của thị trường, hạn chế trồng tự phát để không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản như thời gian qua. Đồng thời, chính quyền địa phương đứng ra làm khâu trung gian kết nối cho người dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng ký kết để tiêu thụ với số lượng ổn định, hạn chế việc thương lái điều hành thị trường.

 Khánh Nguyên 
/kinhtenongthon.com.vn