Nông dân 4.0: Từ 2 sào cà rốt đến doanh thu gần 400 trăm tỷ đồng
- Thứ tư - 21/03/2018 19:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bám thị trường để sản xuất
Bắt đầu với 2.000 mét vuông đất (2 sào Tây Nguyên) trồng củ cải và cà rốt, đến nay nông dân Nguyễn Văn Đoàn (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã tạo lập được hợp tác xã có diện tích đất sản xuất lên tới hàng nghìn ha, doanh thu hơn 300 tỷ đồng/năm.
Anh Đoàn cho biết, ngay từ lúc khởi nghiệp, mặc dù chỉ có 2.000m2 đất nhưng vợ chồng anh đã “tự làm tự bán”, tức không bán cho thương lái tại chỗ mà lặn lội về TP Hồ Chí Minh đưa vào các chợ đầu mối.
Bằng vốn liếng tích cóp được, anh Đoàn dần mở rộng diện tích, anh cũng là người đầu tiên đưa củ cải, cà rốt về trồng ở Đức Trọng - trước đó không ai dám trồng vì không có đầu ra.
Anh Đoàn cùng nông dân kiểm tra đậu leo chuẩn bị thu hoạch
Thấy chất lượng tốt, tiểu thương các chợ đầu mối ở TP HCM đặt hàng ngày càng nhiều, anh chị đưa quy cách, tiêu chuẩn về cho những nông dân khác cùng làm rồi thu mua. Sản lượng rau củ do anh Đoàn cung cấp cứ thế tăng dần. Đến năm 2014, anh Đoàn cùng một số nông dân thành lập HTX Nam Sơn để đáp ứng yêu cầu pháp nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời làm cơ sở để tập hợp nông dân.
Đến nay, HTX Nam Sơn đang tổ chức sản xuất trên diện tích 3.600ha, trải đều trên các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà. Trong đó gia đình anh Đoàn có hơn 100ha, 6 xã viên còn lại có vài trăm ha, diện tích còn lại là đất của nông dân liên kết. Cơ cấu mặt hàng cũng rất đa dạng, gồm củ cải, cà rốt, khoai lang, cà tím, cà chua…. với sản lượng cung ứng ra thị trường không dưới 200 tấn/ngày.
Cơ sở đóng gói rau – củ - quả theo tiêu chuẩn VietGAp của HTX Nam Sơn
Đặc biệt, trong diện tích này có 50ha sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày thu hoạch 5 – 10 tấn, nhập vào các siêu thị khó tính nhất ở TP Hồ Chí Minh. Hiện HTX có 2 cơ sở sơ chế sản phẩm ở Đức Trọng, trong đó anh Đoàn trực tiếp phụ trách sơ chế rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đoàn cho biết: “Yêu cầu của các siêu thị ngày càng cao, họ kiểm tra bằng máy móc hiện đại, nếu phát hiện sản phẩm không đạt là trả về ngay. Do vậy tất cả các khâu, từ sản xuất đến sơ chế, bảo quản, vận chuyển đều phải tuân thủ đúng quy trình”.
Về cơ giới hóa, anh đã đầu tư 20 máy cày cải tiến, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tự động trên toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình và các hộ nông dân liên kết… Nhờ áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ cao vào sản xuất, năng suất cà rốt của HTX Nam Sơn đạt 80 tấn/năm, riêng củ cải lên tới 120 tấn/năm. Để tận dụng các sản phẩm thải loại và phế phẩm nông nghiệp khác, anh Đoàn còn đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt dây chuyển sản xuất phân vi sinh. Hiện công suất của nhà máy lên đến vài nghìn tấn/năm, giúp HTX chủ động phân bón phục vụ sản xuất.
Lớn mạnh nhờ liên kết nông dân
Hiện mảng sản xuất, kinh doanh cà rốt, củ cải của HTX Nam Sơn đạt sản lượng 72.000 tấn/năm, doanh thu 360 tỷ đồng, tức 1 tỷ đồng/ngày. Về phía nông dân liên kết, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân 1 ha lãi khoảng 120 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng cà phê. Nhờ liên kết với HTX, hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững, trong đó có hơn 100 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Đoàn Công Hưng (KP 12, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) cho biết, gia đình anh được HTX Nam Sơn đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Anh Nguyễn Văn Đoàn kiểm tra phân vi sinh tại xưởng sản xuất
Khi thu mua sản phẩm, trừ các khoản đầu tư, HTX luôn thanh toán đầy đủ cho gia đình. “Khách hàng có thể nợ HTX nhưng HTX chưa bao giờ nợ chúng tôi một đồng, giá thấp cỡ nào cũng thu mua hết sản phẩm chứ không bỏ nông dân”, anh Hưng nói. Ngoài 1.000 hộ nông dân liên kết được nhờ, HTX Nam Sơn còn giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Chỉ riêng lao động thường xuyên tại HTX đã lên đến hơn 300 người, còn tính cả lao động thời vụ thì gần 6.000 người, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đoàn cùng công nhân đóng gói củ cải theo tiêu chuẩn VietGAP
Nói về kế hoạch sản xuất, kinh doanh sắp tới, anh Đoàn cho biết HTX chuẩn bị đưa ra thị trường một số loại sản phẩm rất độc đáo. “Các loại rau củ này đang trồng thử nghiệm, tôi chưa kịp đặt tên nhưng chắc chắn sẽ thành công, đặc biệt là đủ tiêu chuẩn vào được các siêu thị khó tính nhất”, anh Đoàn tiết lộ. Anh cũng cho biết một công ty ở Nhật Bản đã mời HTX hợp tác đầu tư nhà máy ép nước cà rốt xuất khẩu, anh đã nhiều lần sang Nhật để tìm hiểu. “Nếu làm được nhà máy thì nông dân được nhờ lắm, vì sẽ có đầu ra ổn định, giá cả tốt hơn”, anh Đoàn nói.
Theo danviet.vn