Nông dân ĐBSCL bỏ GAP
- Thứ hai - 09/04/2012 03:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản xuất vú sữa Lò Rèn theo Global GAP. |
Trồng theo GAP, bán giá thường
Thời điểm này, đến vùng bưởi Năm Roi nổi tiếng ĐBSCL (xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) khi đề cập đến chuyện sản xuất theo Global GAP, nhiều người từng là xã viên của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (được công nhận đạt Global GAP tháng 9-2008) trả lời thẳng thắn: Chứng nhận Global GAP đã quá hạn hơn 3 năm nhưng không được cấp lại. Chúng tôi nghỉ làm lâu rồi. Đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế thì cao, quy định khắt khe nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn nên nhiều xã viên không còn mặn mà nữa.
Thực tế mấy năm qua, người dân trồng bưởi theo Global GAP nhưng bán bưởi với giá thường. Bà Ngô Thị Thúy Vân (ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa) có 1,5 ha đất trồng bưởi, là một trong những hộ tiên phong áp dụng Global GAP, nói: “Bây giờ ở đây thương lái mua bưởi GAP hay bưởi thường giá đều ngang nhau. Đôi khi bán cho thương lái còn có lợi hơn vì họ trả tiền liền, không thiếu nợ 1- 2 tháng như HTX. Có khi HTX mua giá cao hơn vài trăm đến 1.000 đồng/kg nhưng họ loại bỏ bưởi dữ lắm, chỉ chọn khoảng 20% - 30% lượng bưởi. Số còn lại phải bán giá thấp, tính ra còn thua bán sô cho thương lái. Hơn 2 năm nay tôi không còn ghi chép sổ sách nữa, cũng xin ra khỏi HTX luôn. Hiện tại, tôi bán bưởi sô lấy tiền mặt, giá 6.500 đồng/kg”.
Cách nhà bà Vân vài trăm mét, hộ ông Trần Văn Hiếu (không tham gia chương trình Global GAP) cũng đang thu hoạch 0,8ha bưởi nghịch vụ bán sô, giá 7.000 đồng/kg.
Sau thời gian thực hiện, qua nhiều lần đánh giá nghiêm ngặt, ngày 19-9-2008, tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam đã chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia trên diện tích 23,49 ha. Tuy nhiên, hiện nay mọi việc đảo lộn hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, thừa nhận: “Bằng chứng nhận Global GAP đã quá hạn, không được xác nhận lại hơn 3 năm. Sau khi HTX cũ tan rã, hiện nay ban chủ nhiệm HTX mới đang gầy dựng lại được tất cả 14 xã viên. Trong số này, không có hộ nào tham gia Global GAP. Các xã viên cũ đã ra khỏi HTX”.
Trong khi đó, 15 hộ dân trồng vú sữa Lò Rèn theo Global GAP đã ra khỏi HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) vì so sánh, hiệu quả vẫn tương đương với sản xuất bình thường. Theo nông dân Nguyễn Ngọc Điều (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) - một trong những người đầu tiên trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim theo Global GAP nói: Hầu hết sản phẩm bán ra bằng giá vú sữa thường. Đó là lý do chính để ông cũng như các nông dân khác rút lui.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, phân trần: “Cái khó hiện nay của HTX, sản phẩm không xuất khẩu được, do không đáp ứng thời hạn bảo quản dài ngày và không có đơn đặt hàng. Trong khi chỉ có xuất khẩu mới mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Vì thế sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ nội địa. Năm 2009 và 2010, HTX chỉ xuất được 10 tấn vú sữa sang Canada và Vương quốc Anh”.
Nông dân cần trợ lực
Để được chứng nhận Global GAP, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phải đáp ứng đến 141 yêu cầu khắt khe, trong khi các xã viên phải thỏa mãn 236 yêu cầu về kỹ thuật canh tác của Global GAP. “Nếu áp dụng đúng các quy định của Global GAP, nông dân giảm khoảng 30% chi phí sản xuất, còn năng suất tăng khoảng 40%. Hiện tại, HTX còn 116 xã viên, diện tích sản xuất 50,8 ha. Cái khó là chi phí cấp chứng nhận quá cao và mỗi năm phải tái công nhận một lần.
“Năm 2008, khi đăng ký chứng nhận Global GAP phải tốn 7.300 USD và khi tái cấp lần 2 là 5.000 USD. Số tiền này chúng tôi được dự án và một công ty hỗ trợ. Nhưng nay đã quá hạn mấy tháng rồi nhưng chúng tôi không biết lấy đâu ra 5.000 USD để tái xác nhận. Công sức đổ ra xây dựng mấy năm qua giờ bỏ ngang thì rất uổng. Trong khi để nền nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh quốc tế thì việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn là điều tất yếu” - ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phân tích.
Còn Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa Nguyễn Văn Nghĩa lo lắng: “Bằng chứng nhận Global GAP đã hết hạn hơn 3 năm. Các xã viên cũ không còn gắn bó với HTX. Bây giờ muốn làm Global GAP coi như phải bắt đầu lại. Ước tính kinh phí rất lớn, hơn 10.000 USD, chúng tôi không thể tìm đâu ra”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Nông dân nói cũng có lý khi họ bán sản phẩm Global GAP với giá không cao hơn sản xuất bình thường và không có tiền tái chứng nhận nên xin ra. Đây thật sự là chuyện đau lòng. Thiết nghĩ chính quyền cấp tỉnh nên giúp nông dân tái chứng nhận Global GAP ít nhất 2 lần. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích áp dụng các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP và hỗ trợ nông dân tìm đầu ra.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cảnh báo: Nếu ngành chức năng không sớm vào cuộc tìm cách hỗ trợ thì chuyện nông dân xin ra khỏi các mô hình sản xuất sạch sẽ ngày càng tăng. Vấn đề này sẽ đi ngược với quy luật phát triển nền nông nghiệp bền vững. Chúng ta sẽ tự làm yếu các sản phẩm nông nghiệp của chính mình, giảm hẳn tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Chưa kể còn làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.
“Các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP… như là giấy thông hành để hàng hóa nông sản Việt Nam vào thị trường thế giới. Cùng với chất lượng, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì cần tính đến chuyện cạnh tranh với nhau bằng mẫu mã… Vì thế không có lý do gì mà chúng ta tạm dừng áp dụng các tiêu chuẩn trên để quay về cung cách sản xuất lạc hậu” - tiến sĩ Nguyễn Minh Châu bức xúc.
Nguồn sggp.org.vn