Nông dân lấp ao ương cá tra giống để trồng lúa

Nông dân lấp ao ương cá tra giống để trồng lúa
Gần 1 năm qua, giá cá tra giống liên tục nằm ở mức thấp dưới giá thành sản xuất khiến nông dân ương giống lỗ nặng. Chính vì vậy, hiện nay đã có hàng chục ha ao ương cá tra giống ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) được nông dân san lấp để trở lại với nghề trồng lúa nước.

Ông Đoàn Văn Dễ, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy đã đào ao ương cá tra giống trên đất lúa đến nay là được 4 vụ nuôi nhưng chỉ lời được vụ đầu, tính ra lỗ hơn 100 triệu đồng nên đang cân nhắc việc lấp ao, chuyển sang nghề khác.

Theo ông Dễ, thời điểm đầu năm 2012, giá cá tra giống lên ào ào, có lúc lên tới 60 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lúc đó chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg nên người nuôi lãi lớn. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau là cá liên tục sụt giảm, thậm chí chỉ còn 20 ngàn đồng/kg nhưng giá thành sản xuất tăng lên 25 ngàn đồng/kg làm người nuôi lỗ nặng. Đó là chưa kể tình trạng dịch bệnh tràn lan, cá chết trắng ao phải dùng lưới kéo bỏ không thu được đồng nào.

Tình trạng lấp ao, bỏ nghề cũng đang diễn ra ở xã Thạnh Lộc, nơi mà việc đào ao ương cá tra giống trên đất lúa diễn ra cả ngày lẫn đêm trong thời điểm đầu năm 2012 làm diện tích ương cá tra giống tăng lên hàng ngày.

Nhiều nông dân ương cá giống lỗ nặng tính chuyện lấp ao trở lại trồng lúa 

Ông Nguyễn Văn Sang, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy cho biết, cách nay hơn 1 năm cá tra giống hút hàng, giá tăng mạnh, nhiều người ương cá dễ dàng thu được tiền tỷ chỉ với vài ngàn mét vuông mặt nước ao nên gia đình ông cũng hối hả đào 3.000m2 đất lúa để ương cá tra giống.

Kết quả sau 3 vụ ương cá tra giống gia đình ông lỗ hơn 150 triệu đồng do giá cá tuột giảm nhanh chóng, dịch bệnh tăng, trong khi chi phí ương giống ngày càng cao. Để chấm dứt tình trạng thua lỗ, gia đình ông Sang dự định kêu xe cơ giới lắp ao để trở lại trồng lúa.

Trong khi đó, nhiều hộ ương giống sợ lỗ neo cá để chờ giá thì giờ lại mang nợ nặng hơn do thời gian gần đây cá tra giống rất khó tiêu thụ nên họ đành nuôi cầm chừng. Tiền mua thức ăn hàng ngày là một khoản không nhỏ, trong khi giá cá tra giống ngày càng sụt giảm.

Theo ngành nông nghiệp, mô hình ương cá tra giống phát triển ở các xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường… cách đây khoảng 10 năm với diện tích mỗi xã chỉ khoảng 10 - 30 ha. Bước sang đầu năm 2012, mô hình sản xuất này phát triển phát triển “nóng”, chỉ trong vòng hai tháng diện tích ương cá giống ở huyện Cai Lậy đã tăng đột biến hơn 150 ha.  Đến nay, do thua lỗ và cá tra giống gần như không còn đầu ra nên chỉ riêng xã Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc đã có trên 15 ha ao ương cá tra giống được nông dân thuê cơ giới san lấp để trở lại nghề trồng lúa và chắc chắn con số này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Thành Công
Nguồn:baothuysanvietnam.vn