Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép
Sau nhiều năm triển khai, chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích cho người dân vùng ĐBSCL. Cuộc họp báo của Bộ NNPTNT về vấn đề này cũng mới chỉ đưa ra những… dự định sắp tới. Dân thiệt đơn, thiệt kép
Hiện nay, tồn kho gạo đông xuân vẫn còn gần 2 triệu tấn, cộng với hơn 3,5 triệu tấn (dự báo) gạo hè thu chuẩn bị thu hoạch không làm người nông dân vùng ĐBSCL vui vẻ vì nhu cầu thi trường hiện nay gần như đóng băng, giá giảm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm 2012 giảm bình quân 44,52 USD/tấn và đang tiếp tục giảm. Các doanh nghiệp tham gia tạm trữ gặp khó khăn trong tiêu thụ và tiếp tục có nguy cơ bị lỗ đã ảnh hưởng tới giá thu mua của người nông dân.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân gần 7.600 tỷ cho 116 doanh nghiệp tham gia mua 1 triệu tấn gạo dự trữ, Chính phủ hỗ trợ lãi suất 100%.
Sau khi thu hoạch lúa nông dân thường chỉ được 30%
của lợi nhuận, 70% còn lại các trung gian và doanh nghiệp được hưởng (Nguồn: Internet)

 
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã giúp kích cầu đối với 85% lượng lúa gạo còn lại của vụ Đông Xuân 2012-2013 tại địa bàn. 
Tuy nhiên, người dân đã không được hưởng lợi nhiều do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình thu mua và giá thu mua trực tiếp của người dân còn thấp.
Hiện, giá thu mua lúa khô loại thường (IR50404) tại kho dao động từ 5.200 -5.400 đồng/kg, giá mua tại ruộng là 5.100-5.300 đồng.
Việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn một số tỉnh.
“Nguyên nhân chủ yếu do lượng tạm trữ chỉ bằng khoảng 15% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn. Mặt khác thời gian thu hoạch và tiêu thụ lúa, gạo cũng khác nhau giữa các tỉnh, sự phân bổ cho các doanh nghiệp tham gia tạm trữ cũng khác nhau theo từng tỉnh” – báo cáo Bộ NNPTNT cho hay.
Theo TS Đặng Kim SơnViện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (Bộ NNPTNT), sau khi thu hoạch lúa nông dân thường chỉ được 30% của lợi nhuận, 70% còn lại các trung gian và doanh nghiệp được hưởng.
“Đây là mức không hợp lý trong khi nông dân phải bỏ ra 60-70% tổng chi phí sản xuất lúa. Chưa kể đến những rủi ro lớn như thiên tai, dịch hại...” – ông Sơn nói.
Người nông dân làm ra lúa nhưng lại luôn ở thế bị động, lúc nào cũng ở tâm trạng nơm nớp lo lúa thu hoạch về không bán được, lại ế đầy kho nên thường xuyên bị thương lái ép giá.
Đề xuât tỉnh chủ động thu mua lúa gạo
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, thực tế vẫn phải cần đội ngũ thương lái trung gian làm cầu nối cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên cần tổ chức lại đội ngũ này để lợi ích được phân phối đều giữa các khâu.
VFA vừa đề xuất với Chính phủ để các tỉnh chủ động trong việc thu mua, tạm trữ lúa gạo nhằm khắc phục hạn chế trong việc phân bố chỉ tiêu thu mua tạm trữ hiện nay.
Ngoài ra, VFA cũng phối hợp, tìm kiếm các thị trường mới tại châu Mỹ, châu Phi nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt cho hay, phải có giải pháp lâu dài để giúp người lao động trực tiếp trên đồng ruộng hưởng thành quả của mình.
Cụ thể, phải có giải pháp nâng cao chất lượng canh tác, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón. “Bộ sẽ ra Thông tư hướng dẫn, khuyến khích người dân đa dạng cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất…”, ông Quảng nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám thì khẳng định, tình hình kinh tế trong nước chưa cho phép để Chính phủ đứng ra thu mua lúa gạo của dân giống như các nước Thái Lan, Ấn Độ đã làm. Vì vậy tới đây Bộ NNPTNT sẽ cùng các ngành bàn thảo, tham mưu Chính phủ đưa ra quy chế tạm trữ lúa gạo hoàn thiện hơn./.
Thái Tùng
Theo  toquoc.vn