Nông dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp

Nông dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện Quyết định, việc triển khai thí điểm BHNN đạt được kết quả rất khiêm tốn...

Nông dân chưa mặn mà

Theo thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN.

Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỉ đồng (trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỉ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỉ đồng, giá trị bảo hiểm thuỷ sản là 2.883 tỉ đồng). Theo các chuyên gia kinh tế, con số này quá khiêm tốn so với một đất nước gần 70% người dân làm nông nghiệp như nước ta.

Ngoài ra, tổng doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 394 tỉ đồng, nhưng số tiền bồi thường bảo hiểm lên tới 712,9 tỉ đồng. Trong số các hộ tham gia BHNN có đến 91,9% là hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc 75% phí BHNN.

Lý giải về vấn đề vì sao nông dân vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, do quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ nên ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động BHNN.

Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, nông dân thường tham gia bảo hiểm cho diện tích sản xuất từ 100ha trở lên, vật nuôi cũng từ vài nghìn con, thì ở Việt Nam, nông dân tham gia bảo hiểm chỉ với chục con bò, vài chục con lợn hay vài héc-ta cây trồng…

Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình khép kín, rủi ro cao khiến các doanh nghiệp BHNN thua lỗ, không còn mặn mà với chương trình.

Không chỉ có nông dân các tỉnh vùng sâu, xa... thờ ơ với việc tham gia BHNN, mà ngay nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng không mấy mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Bởi hiện nay trên toàn địa bàn Thủ đô chỉ mới có 14.000 con bò và 30.000 con lợn tham gia bảo hiểm trên tổng số đàn trâu bò 170.000 con và 2 triệu con lợn...

Đâu là giải pháp?

Các chuyên gia cho rằng, BHNN rất quan trọng với người nông dân bởi trong tất cả các ngành thì nông nghiệp là ngành rủi ro nhất, rủi ro về biến động giá cả, về bệnh tật, về thiên tai... Tuy nhiên, hiện tại có rất ít người tham gia loại hình bảo hiểm này.

Lý giải về vấn đề này các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến người nông dân không mặn mà tham gia BHNN là do nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ với hơn 50% các hộ làm nông nghiệp mang tính chất gia đình nên khó tránh khỏi dịch bệnh.

Bởi nước ta chưa xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh hay quy trình về phòng dịch bệnh cũng chưa được áp dụng ở tất cả các vùng nên khi một vùng bị dịch bệnh thì ảnh hưởng đến cả các vùng khác.

Chưa kể đến việc, khi đã công bố dịch bệnh thì tất cả các trang trại không thể xuất sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, vì thiệt hại trong nông nghiệp rất lớn nên các đơn vị làm bảo hiểm đòi hỏi mức phí tham gia bảo hiểm rất cao so với đơn giá sản phẩm.

Ngoài những yếu tố trên, trong nông nghiệp, việc xác minh mức độ, nguyên nhân thiệt hại là rất khó, doanh nghiệp bảo hiểm nhiều khi cũng chưa đủ nhân lực để xác minh nguyên nhân thiệt hại cho bà con để tiến hành công tác đền bù.

Hơn nữa, để được hưởng bảo hiểm, mô hình chăn nuôi của bà con phải đảm bảo các tiêu chí của bên bảo hiểm, nếu không sẽ không được đền bù. Chính những nguyên nhân trên mà bà con nông dân vẫn e ngại tham gia loại hình bảo hiểm này.

Trong khi nông dân thiếu lòng tin, thì phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm lại thờ ơ, không muốn tham gia. Đại diện một công ty bảo hiểm cho rằng, giá trị BHNN rất cao, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp nên sản phẩm này không có lãi.

Hơn thế, việc đánh giá mức độ rủi ro trong nông nghiệp ở từng vùng lại rất khác nhau. Do vậy, việc xác định, đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là một vấn đề rất khó. Cũng vì khó nên theo người nông dân, doanh nghiệp thường đưa ra các điều khoản bảo hiểm ngặt nghèo với khoản bồi thường không cao. Cái vòng luẩn quẩn này chính là nguyên nhân khiến nông dân và doanh nghiệp bảo hiểm khó gặp được nhau...

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, đề nghị xây dựng Nghị định về BHNN, trong đó nổi bật là việc NSNN sẽ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Nếu được Chính phủ thông qua, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cùng xây dựng Nghị định theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, nếu được Chính phủ thông qua, dự kiến sẽ bắt đầu được thực hiện vào đầu năm 2018.
Theo Xuân Huy/giaoducthoidai.vn