Nông nghiệp 4.0: Không phải cứ làm nông nghiệp CNC là sẽ thành công

Nông nghiệp 4.0: Không phải cứ làm nông nghiệp CNC là sẽ thành công
Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nông nghiệp thông minh không phải cứ ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ tiên tiến là sẽ thành công.

Đừng làm nửa vời

Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp và trên thực tế đã thu nhiều kết quả khả quan. Từ 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9.502ha ứng dụng CNC được triển khai với các mô hình như trồng rau, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tiêu chuẩn VietGAP; có 12 doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp với tổng diện tích 2.734ha đất sản xuất.

 nong nghiep 4.0: khong phai cu lam nong nghiep cnc la se thanh cong hinh anh 1

  Vườn rau công nghệ ở Đà Lạt. Ảnh: TTX

"Tại Việt Nam, nông nghiệp hiện khó có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn

 

 Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Hầu hết mới ứng dụng từng khâu, ví dụ nuôi cá mới chọn được giống, trồng quả mới chọn được khâu tưới hay khâu nhà lưới... mà chưa tính đến khâu chế biến, tiêu thụ nên hiệu quả chưa cao. Diện tích đất được triển khai ứng dụng CNC chỉ chiếm 3,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Nghệ An.

Theo thống kê, ở Đà Lạt (Lâm Đồng), giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác NNCNC đã đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha/năm trong khi ở Nghệ An mới đạt bình quân 200 - 250 triệu đồng/ha.

Một hạn chế nữa là địa phương chưa “chắp cánh” cho NNCNC, các trung tâm kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu chọn tạo giống chưa có tính thuyết phục. Nhiều doanh nghiệp chưa có sự liên kết với người dân, với HTX và ngược lại. Chưa có những diễn đàn, hiệp hội trong lĩnh vực này để trao đổi kinh nghiệm, tổng kết đánh giá và chưa có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau đối với sản phẩm sản xuất ra trước khi đến tay người tiêu dùng…

Không thể nóng vội

Tại một cuộc hội thảo về phát triển nông nghiệp thông minh, nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp là đã thành công.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco - một trong những doanh nghiệp khá thành công trong triển khai nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, cho biết, toàn bộ hệ thống sản xuất của VinEco đều theo công nghệ tiên tiến nhất của Israel, thế nhưng các chuyên gia chuyển giao công nghệ của Isarel đã gặp không ít khó khăn với khí hậu của Việt Nam.

"Chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất dựa theo mô hình khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, nhưng biến đổi khí hậu làm đảo lộn không ít. Ví như, tại Lâm Đồng, bình thường chỉ 5-6 tháng là mùa mưa, thì bây giờ gần như mưa quanh năm. Hay đợt nắng nóng bất thường vừa qua tại miền Bắc khiến nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 độ C, nhiệt độ trong nhà kính lên đến 60 độ C, khiến chuyên gia chuyển giao công nghệ của Isarel cũng phải sốc"- bà Thảo cho hay.

Nói về giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, ông Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Ðồng, địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNC trong nông nghiệp, cho rằng Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh với công nghệ, nhưng không nóng vội, chạy theo phong trào.

Theo ông S, quá trình triển khai cần theo phương châm “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác” với cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, lấy hiệu quả làm chính. “Trước đây, chúng ta đào tạo khập khiễng, cứ lo đào tạo nông dân, nhưng cán bộ quản lý không biết, hoặc ngược lại, như thế chúng ta không tiếp cận được công nghệ, gây lãng phí”- ông S nói.

Ông Vũ Thạch Tâm - Giám đốc kỹ thuật Công ty Lina Network cho rằng, hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đều có khả năng cung cấp được. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu hệ sinh thái hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất có thể tiếp cận công nghệ Việt, cũng như doanh nghiệp công nghệ Việt không biết doanh nghiệp sản xuất cần gì để chào hàng. "Để phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, Nhà nước và cơ quan chức năng cần có chính sách cũng như phương thức cụ thể tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ", ông Vũ Thạch Tâm nêu ý kiến.  Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn thừa nhận, để phát triển thành công NNCNC cần sự nỗ lực phối hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước.

"Cần lựa chọn những giải pháp hiệu quả, bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuần an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ"- ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Tố Loan/danviet.vn