Nông nghiệp chưa qua ngưỡng khó khăn

Nông nghiệp chưa qua ngưỡng khó khăn
Năm 2013, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,1%. Diện tích lúa gieo sạ giảm 2,1%, sản lượng giảm hơn 1,3%; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tiếp tục đối mặt giá cả, dịch bệnh,...

Tại hội nghị tổng kết sản xuất ngành nông nghiệp năm 2013, nhiều địa phương nhận định, sản xuất nông nghiệp năm 2014 “chưa qua ngưỡng khó khăn”.

Sản xuất teo tóp

Đánh giá tình hình sản xuất năm qua, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng, hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều chịu sự tác động bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và giá cả đầu vào lẫn đầu ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Trên cây lúa, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả vào sản xuất như: sử dụng giống chất lượng, gieo sạ đúng lịch, né rầy nên năng suất đạt gần 6 tấn/ha. 

Tuy nhiên, giá lúa 3 vụ sụt giảm từ 7- 11%, nông dân “chán ruộng” chuyển đổi cây trồng nên diện tích lúa gieo sạ cả năm chỉ đạt 181.951ha, giảm 2,1% so năm 2012. Hiện các địa phương đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn hơn 3.000ha nhưng diện tích liên kết với doanh nghiệp bao tiêu còn khá hạn chế.

Trong khi đó, chăn nuôi cũng không dễ dàng, do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh, giá thức ăn tăng cao khiến nông dân lao đao không mạnh dạn phát triển đàn. 

Trong năm, phát hiện 434 con heo bệnh tai xanh, 29 con bò bệnh lở mồm long móng và gần 5.000 gia cầm bệnh cúm H5N1. Nhờ phòng chống, hỗ trợ kịp thời nên đàn heo, gia cầm đang có dấu hiệu phục hồi. Riêng đàn bò đã giảm hơn 11.700 con.

Nuôi thủy sản tiếp tục phụ thuộc thị trường, giá cá thương phẩm thấp hơn giá thành. Toàn tỉnh có 2.554ha nuôi thủy sản; 685 lồng bè, trong đó đang thả nuôi 481 chiếc, giảm 21 chiếc.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm cho biết, 2 sản phẩm thế mạnh của huyện đã phải thu hẹp phạm vi là nuôi bò và cá tra.
 
Do chưa có cơ chế hỗ trợ đầu vào vật tư nông nghiệp, con giống nên sản xuất, chăn nuôi tại địa phương đang gặp khó khăn. Ông đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, giúp nông dân khôi phục đàn cũng như cần quy hoạch vùng nuôi cá tra hoặc hướng chuyển đổi phù hợp.

Trên lĩnh vực cây trồng, ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Trà Ôn cho biết, cam sành đang khẳng định hiệu quả do lợi nhuận từ 250- 350 triệu đồng/ha/vụ (mùa nghịch), nên năm qua tại địa phương có tới 169ha đất lúa chuyển sang trồng cam. 

Và dự báo diện tích chuyển đổi này tiếp tục gia tăng. Để phát triển bền vững, theo ông, cần có kế hoạch quy hoạch vùng trồng hợp lý.

Lo ngại sâu, bệnh trở lại

Tại hội thảo, nhiều địa phương tỏ ra quan ngại trước tình trạng sâu, bệnh trên nhiều loại cây trồng đang quay trở lại sau khi các mô hình trình diễn kết thúc.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong năm qua, chi cục đã triển khai rất nhiều mô hình trình diễn như khắc phục bệnh chổi rồng hại nhãn; mô hình quản lý sâu đục trái trên cây có múi; nghiên cứu tác nhân gây hại trên cây khoai lang; ứng dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu hại trên cải xà lách xoong và sử dụng chế phẩm nấm xanh để quản lý rầy nâu và sâu cuốn lá hại lúa,… 

Tuy nhiên, sau khi kết thúc mô hình trình diễn, dịch bệnh đang có dấu hiệu gây hại trở lại. Đặc biệt là sâu đục củ khoai lang đang gây hại mạnh tại xã Tân Hưng (Bình Tân).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phước- quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ cho biết, theo phác đồ điều trị, huyện đã triển khai thực hiện cắt tỉa và phun xịt hơn 3.000ha nhãn nhiễm chổi rồng. Song, đến nay kết quả “chưa như mong muốn và dịch bệnh có chiều hướng quay trở lại”. 

Nguyên nhân được xác định do nông dân chưa thực hiện nghiêm ngặt, đồng bộ các quy trình điều trị. “Hiện mỗi ký nhãn giá khoảng 8.000đ, trong khi đầu tư phòng trị theo quy trình mỗi ký nhãn cũng gần 8.000đ nên nông dân không mặn mà.”- ông Nguyễn Văn Phước nêu thêm lý do.

Mặt khác, qua ghi nhận, công tác phòng trị nhãn chổi rồng trên vườn trồng chuyên canh thời gian qua thực hiện khá tốt, còn đối với vườn xen canh nhà vườn còn rất lơ là. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác dập dịch chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, nhiều địa phương cho rằng, nên vận động nhà vườn đốn bỏ chuyển đổi cây trồng khác để tránh lây lan.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết cho biết, từ những mô hình trình diễn, năm 2014 chi cục sẽ có hướng triển khai rộng rãi phương pháp phòng trị để nhiều nông dân có thể áp dụng.
 
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, bà Nguyễn Ngọc Tuyết cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Đặc biệt sự phối hợp phòng trị của nhiều sở, ngành chứ không giao cho riêng ngành bảo vệ thực vật như thời gian qua.

Nhiều mô hình trăm triệu từ cây màu và cây lâu năm

Diện tích trồng màu cả năm đạt 44.385ha tăng 6,27%. Màu xuống ruộng là 24.278ha, chiếm 60% diện tích xuống.

Cây ăn trái gần 49.000ha (hơn 41.000ha đang cho trái). Cam sành ở Trà Ôn và TP Vĩnh Long cho thu nhập từ 140- 210 triệu đồng/ha (mùa thuận); 250- 350 triệu đồng/ha (mùa nghịch).


Theo Báo Vĩnh Long Online