Nông nghiệp hữu cơ: Giải pháp cho nông sản thực phẩm sạch

Nông nghiệp hữu cơ: Giải pháp cho nông sản thực phẩm sạch
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nông nghiệp hữu cơ – Giải pháp cho nông sản thực phẩm sạch”.

 

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống đồng bộ hướng tới việc thực hiện các quá trình sản xuất với kết quả cao là bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, chăm sóc chu đáo động vật và công bằng xã hội. NNHC còn là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hóa học tổng hợp trong các vật tư đầu vào.

Theo PGS, TS Lê Văn Hưng, Hiệp hội NNHC, NNHC tại Việt Nam đang trên đà phát triển tốt từ, năm 2010 cả nước có 21 nghìn ha. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên 43.010 ha, tăng 2,05 lần so với năm 2010. Hiện nay, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta đạt hơn 43.010 ha, và tập trung chủ yếu tại các tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng… Nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm NNHC được xuất bán ra các thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… là rất cao với giá bán cao gấp 3- 4 lần so với nông sản bình thường.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay nền NNHC trên thế giới phát triển khá tốt, nhưng ở Việt Nam còn ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân, do các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho phát triển NNHC hầu như chưa có. Nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và của cả cộng đồng về NNHC còn hạn chế… Thực tế là càng hội nhập sâu với các nước trong khu vực và trên thế giới thì các sản phẩm nông sản của nước ta lại càng khó cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã.

Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, về lộ trình, để nông dân thích ứng dần với kỹ thuật sản xuất hữu cơ, họ cần được trải qua quá trình sản xuất theo VietGAP, tiến tới GlobalGAP và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, nhà nước cần dựa vào kết quả nghiên cứu lợi thế so sánh, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sản xuất và nhu cầu thị trường. Từ đó, xác định sản phẩm nông sản chiến lược nói chung và nông sản được sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ nói riêng cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, trên phạm vi quốc gia. Đó chính là cơ sở để quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện liên kết vùng giữa các tỉnh trong mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.
Để đẩy mạnh phát triển NNHC, ông Lê Văn Hưng kiến nghị, các bộ ngành cần ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ phù hợp với điều kiện Việt Nam và hài hòa với quốc tế với các sản phẩm có nhãn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ.

“Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách hình thành cơ quan chứng nhận tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất NNHC và vùng sản xuất lớn chuyên canh với các sản phẩm là thế mạnh của vùng cho phát triển hữu cơ. Có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho tổ chức sản xuất như chính sách đất đai, chính sách đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến sản xuất hữu cơ...”, ông Hưng nói.

Theo T.Tr/nhandan.com.vn