Nông nghiệp, nông dân cần những chính sách tiếp sức

Nông nghiệp, nông dân cần những chính sách tiếp sức
Những chính sách mang tính “cởi trói để mở cửa vào thị trường” giờ không còn thực sự phù hợp, người nông dân cần những chính sách để “tiếp sức” trong giai đoạn hiện nay.
 

TS Đặng Kim Sơn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhận định này được TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn (IPSARD) đưa ra tại cuộc giao lưu trực tuyến ngày 20/6 do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức.

 

Một trong những điểm yếu nhất của nông nghiệp là tăng sản lượng nhưng không đồng bộ với chất lượng của nông sản.

TS Đặng Kim Sơn đánh giá, do sự ngắt quãng giữa sản xuất và tiêu dùng nên người nông dân sẵn sàng làm vất vả hơn để có nông sản sạch nếu bán được giá cao hơn và người tiêu dùng sẵn sàng mua giá cao hơn nếu đảm bảo mua được sản phẩm sạch nhưng chưa gặp được nhau vì thiếu thị trường đặc biệt dành riêng cho các sản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt.

Không chỉ vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện đời sống cho nông dân mà nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được đặc biệt quan tâm và trông chờ thực hiện hiệu quả.

Nhưng chính sách thường phụ thuộc vào nhiều Bộ, ngành và thách thức đặt ra là việc gắn kết giữa các Bộ, ngành có liên quan với nhau. Một cách giải quyết khác được nhiều nước sử dụng là thông qua hiệp hội của người sản xuất hoặc người tiêu dùng để kết nối.

“Đáng tiếc là ở nước ta, hội của người sản xuất thường chỉ có doanh nghiệp mà không có nông dân trong khi hội người tiêu dùng còn rất manh nha”, ông Đặng Kim Sơn nhận định.

Những khó khăn và cách giải quyết đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào ngày 10/6 vừa qua.

“Tuy nhiên, người tiêu dùng phối hợp cùng với người nông dân xây dựng nên các hiệp hội tốt thì chúng ta có thể khắc phục vấn đề này hiệu quả”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và ứng cứu kịp thời cho nhiều ngành hàng nông sản như cà phê, mía, đường, lúa gạo. Thậm chí, một số chính sách xóa đói giảm nghèo đã hướng tới những khó khăn của nông dân mang tính ngăn chặn từ xa.

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, trong điều kiện kinh phí ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên hiệu quả của các giải pháp còn hạn chế. “Trong nông nghiệp, các chính sách trong thời gian tới là ngăn chặn rủi ro từ xa, phòng tránh thiệt hại từ xa. Đấy là mục tiêu chính sách. Ví dụ như có thể dự báo thị trường, xây dựng sàn giao dịch, xây dựng kho tàng, áp dụng bảo hiểm”...

Đỗ Hương

Theo baodientu.chinhphu.vn