Nông nghiệp với bài toán phát triển bền vững
- Thứ hai - 05/03/2018 20:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công nghệ tạo giá trị cao cho nông nghiệp.
Chủ động đầu tư công nghệ
Được coi là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, song, ngành nông nghiệp nước nhà hiện nay vẫn chỉ sản xuất gia công, chưa có sự tham gia nhiều của các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, việc thiếu hẳn khâu bảo quản sau thu hoạch khiến cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam bị giảm giá trị đi rất nhiều. Hàng hóa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu xuất thô dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam và cũng là một bất cập không nhỏ của ngành nông nghiệp nước nhà.
Ông Trần Thành Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Có đến 80% - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô sang thị trường các nước, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, do đó giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá. Đây là điểm yếu lâu nay của ngành nông nghiệp nước nhà.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay của ngành chính là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và khâu chế biến. Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch đem lại rất nhiều thuận lợi cho các sản phẩm nông sản.
Bà Hằng nêu ví dụ, tại Hàn Quốc, trang trại rau sạch của DN nước này sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cà chua, nhờ đó cà chua thu hoạch sẽ giữ được độ tươi lâu hơn. Nếu như trái cà chua không áp dụng công nghệ bảo quản chỉ giữ được độ tươi trong 7 ngày nhưng khi áp dụng công nghệ này, có thể giữ được 2 đến 3 tuần. Chúng tôi cũng đã áp dụng công nghệ này để giúp bảo quản cho hơn 2ha cà chua sạch của công ty chúng tôi hiện nay.
Cũng theo nữ Giám đốc, hiện nay Công ty CP Rau sạch Việt Nam đang áp dụng một số các phương pháp bảo vệ cây trồng trong sản xuất như nhà lưới, công nghệ tưới tiên tiến… giúp cho các sản phẩm nông sản được bảo vệ tốt hơn mà không phải sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo quản độc hại, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản sạch và năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất theo cách thông thường.
“Sản xuất nông nghiệp rất cần phải ứng dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất và hạn chế tình trạng mất mùa do sâu mọt. Đó là hướng đi mà các DN Việt cần phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững và ổn định, cũng như thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp” – bà Hằng nêu quan điểm.
Không chỉ đầu tư công nghệ cho các sản phẩm nông sản sau sản xuất, vị nữ doanh nhân này còn cho biết, Công ty CP Rau sạch Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi thời kỳ của nền công nghiệp 4.0 nên ngành nào cũng cần phải đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao và các DN Việt cần phải nắm bắt xu hướng đó để hội nhập vững vàng.
Giữ vững trụ đỡ bằng cách nào?
Được biết, nhiều DN trong nước hiện nay cũng đang đầu tư khá mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản. Đơn cử, Công ty CP Vinamit (Vinamit) đã đầu tư thêm công nghệ sấy lạnh để cho ra đời những sản phẩm đã qua chế biến như xoài, chuối, bơ, sầu riêng... luôn giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên, hạn chế tối đa thất thoát dinh dưỡng (khoảng 5%) để phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu “khó tính” như Nhật, Mỹ và châu Âu. Theo chia sẻ của Vinamit, với những công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại mặc dù DN phải đầu tư khá tốn kém nhưng bù lại sản phẩm làm ra sẽ thu về giá trị gia tăng cao bởi đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, không bị thất thoát, giảm chất lượng sau thu hoạch.
Những động thái Công ty CP Rau sạch Việt Nam hay Vinamit cho thấy, các DN Việt ngày càng nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại “kinh tế số”. Tuy nhiên, không phải DN nông sản trong nước nào cũng làm tốt khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Trên thực tế, sản lượng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn chủ yếu là xuất thô. Các loại rau, củ quả tươi không qua khâu xử lý sau thu hoạch thời gian bảo quản ngắn… khiến cho giá trị gia tăng thấp và thường xuyên bị ép giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững, xứng tầm, cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN, không phải DN nào cũng đủ tầm, đủ lực để đầu tư cho việc mua sắm các công nghệ tiên tiến. Chính bởi vậy, các DN rất cần sự liên kết, một chiến lược dài hơi và sự tham gia của nhiều bộ mới có thể thành công trên con đường chinh phục thị trường quốc tế đồng thời đảm bảo là một trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Minh Phương/daidoanket.vn