Nóng nhất vẫn là đất đai

“Vụ Tiên Lãng xảy ra là điều rất đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng tôi, những người làm công tác quản lý đất đai, môi trường” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang khẳng định tại phiên chất vấn ngày 13.6.
Nóng nhất vẫn là đất đai

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) chất vấn về việc không hoàn thành cấp sổ đỏ cho dân theo đúng nghị quyết của QH. Ảnh: Giang Huy

 

Bài học kinh nghiệm sâu sắc

Không đề cập đến tình trạng khiếu nại bức xúc về đất đai một cách chung chung, cả hai ĐB của TP.Hà Nội là bà Bùi Thị An và Trần Thị Quốc Khánh đều chất vấn thẳng Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về 4 vụ việc nổi cộm mà dư luận cả nước quan tâm, liên quan đến giải phóng mặt bằng là vụ ông Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang, việc cưỡng chế ở Cần Thơ và Vụ Bản (Nam Định). Sau các vụ việc này, “bộ trưởng có đi kiểm tra trực tiếp? đúng sai thế nào và bao giờ thì xử lý xong?” - 2 ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định để xảy ra các vụ việc trên là rất đáng tiếc.  Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì vụ Tiên Lãng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho những người làm công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường. Bộ cũng đã cùng Hải Phòng chủ động kiểm điểm trách nhiệm của mình, không kiểm tra chặt chẽ để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Còn các vụ việc khác như Văn Giang, bộ đã cử các đoàn công tác, các thứ trưởng xuống làm việc với lãnh đạo địa phương, tiếp xúc với dân để nắm tình hình và tham mưu cho Chính phủ. 

Chưa hài lòng với câu trả lời, cả ĐB Bùi Thị An và ĐB Trần Thị Quốc Khánh đều ấn nút tái chất vấn. “Tôi muốn biết trong các vụ việc cụ thể này thì ai đúng, ai sai. Nếu không có gì bí mật thì đề nghị bộ trưởng có thể công bố công khai. Chứ về nguyên tắc thì việc nào đều phải giải quyết theo pháp luật” - ĐB An đề nghị. Còn ĐB Khánh thì cảnh báo nếu bộ trưởng không đi kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý cán bộ sai phạm thì với những vụ việc bức xúc như trên sẽ lây lan ra các địa phương khác. 

Thừa nhận câu hỏi của ĐB An là rất khó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang  khẳng định: “Chính quyền đúng, sai gì, các quyết định đúng, sai ra sao... đều đã có kết luận rõ ràng. Nếu ĐB An cần thì mời ĐB đến bộ hoặc chúng tôi sẽ gặp ĐB để trao đổi cụ thể”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang: “Chính quyền đúng, sai gì, các quyết định đúng, sai ra sao... đều đã có kết luận rõ ràng”

 

Không chia lại ruộng đất

Nhắc lại chủ trương sau năm 2013 sẽ không chia lại đất sản xuất nông nghiệp mà kéo dài thời hạn giao đất có thể thêm 30 năm nữa, như vậy sẽ có một lớp người sinh sau năm 1993 không có đất để sản xuất... ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn, bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ có chính sách gì riêng áp dụng cho các đối tượng này để đảm bảo cuộc sống, vì đây là tình trạng rất bức xúc?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, bây giờ đặt vấn đề chia lại đất đai là rất phức tạp. Bộ đã tham mưu để giữ ổn định xã hội thì không nên điều chỉnh lại ruộng đất đã giao và Trung ương đã kết luận về vấn đề này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì vẫn có “lối mở” để xử lý tình trạng như ĐB Thường nêu. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì với mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp, khi đó tỉ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 35%. Lúc đó lao động nông nghiệp sẽ chuyển dịch sang công nghiệp.

Trả lời chất vấn của ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về việc không hoàn thành cấp sổ đỏ cho dân theo đúng nghị quyết của QH, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đưa ra nhiều lý do, trong đó đặc biệt là thiếu kinh phí. “Nhu cầu cần 30.000 tỉ đồng nhưng thực tế mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 tỉ. Đây là lý do cơ bản”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì với tồn tại này, phải đến năm 2015 mới có thể hoàn thành công việc này.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): “Tôi muốn biết trong các vụ việc cụ thể này (vụ Tiên Lãng, vụ Văn Giang, vụ cưỡng chế ở Cần Thơ và Vụ Bản, Nam Định - PV) thì ai đúng, ai sai?”

 

"Thảm gai” cho nông dân

Nhiều ĐB đặc biệt quan tâm chất vấn về tình trạng thu hồi đất tràn lan làm khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế, làm theo phong trào... sau đó bỏ hoang, trong khi người dân không có đất canh tác. Thực trạng đó không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn gây nhiều bất ổn xã hội, khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài. ĐB Lê Thị Công (BR-VT), ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương), ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cùng chất vấn trách nhiệm Bộ trưởng Bộ TNMT về tồn tại này. 

Thừa nhận tình trạng trên diễn ra phổ biến, nhiều địa phương phản ánh bức xúc về tình trạng này. Tuy nhiên, bên cạnh việc chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do tình trạng khủng hoảng, lạm phát nên nhận dự án chưa triển khai được, còn một nguyên nhân khác là quy định của pháp luật khi thu hồi phải bồi thường phần doanh nghiệp đã đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hứa với ĐBQH sau khi tổng hợp tình hình của các tỉnh sẽ  kiến nghị Thủ tướng có chỉ thị về vấn đề này.

Cùng chất vấn về nhóm vấn đề này, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) ví von nhiều địa phương “trải thảm đỏ” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời “trải thảm gai” cho nông dân. Khi họ mất đất, mất tư liệu sản xuất, còn đô thị bỏ hoang ngày càng tăng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư là một chủ trương lớn. Thực tiễn đã cho thấy nhiều bài học cần phải quy định chặt chẽ hơn, để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tiết kiệm. “Bộ TNMT sẽ tham mưu cho Chính phủ có quy định cụ thể hơn, khắc phục tình trạng này” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hứa.

Theo báo lao  động