Nông sản Hà Tĩnh “chật vật” tìm đường xuất ngoại
- Thứ sáu - 27/04/2018 04:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh bốc xếp hàng hóa để xuất sang nước bạn
Toàn cảnh xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh
Trong số các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Hà Tĩnh, chè là một trong những sản phẩm chủ lực. Năm 2017, Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh xuất khẩu đạt sản lượng 1.600 tấn với doanh thu ước đạt 85 tỷ đồng. Đầu năm đến nay, sản lượng của công ty đạt 360 tấn với doanh thu khoảng 21 tỷ đồng.
Chè của Hà Tĩnh đã có mặt ở thị trường Pakistan, Afghanistan
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ciám đốc Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh cho biết: “Trung bình mỗi năm, sản lượng chè xuất khẩu của đơn vị tăng 10 – 12%. Nhờ chất lượng và uy tín nên đầu ra của sản phẩm khá bền vững. Năm ngoái, chúng tôi đã xây dựng thành công tiêu chuẩn Vietgap và năm nay đang xúc tiến xây dựng chứng nhận RAT (chè sạch tiêu chuẩn quốc tế). Một khi đạt chứng nhận này, chè của công ty có thể vươn ra thị trường châu Âu, mở rộng thị trường nâng cao giá trị của sản phẩm chè”.
Thủy sản là một trong những mặt hàng truyền thống chủ lực của xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh (ảnh chụp tại Công ty cổ phần XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh)
Cùng với chè, thủy sản và dăm gỗ cũng là một trong những nhóm hàng truyền thống chủ lực của Hà Tĩnh. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt 0,59 triệu USD, dăm gỗ đạt 12,1 triệu USD. Ngoài các mặt hàng truyền thống, hiện nay, xuất khẩu nông sản còn “điểm danh” một số mặt hàng như: lúa, lạc, rau – củ - quả.
Công ty TNHH MTV nông sản Nguyên Thảo thu mua lạc nhân để xuất sang Trung Quốc
Còn nhiều "rào cản"
Hoạt động xuất nhập khẩu nông sản từ năm 2013 đến nay, Công ty TNHH MTV Nông sản Nguyên Thảo chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm rau – củ - quả sang thị trường Lào và Trung quốc. Chị Trần Hương Ly - trợ lý giám đốc Công ty TNHH MTV nông sản Nguyên Thảo cho biết: “Xuất khẩu nông sản thường theo mùa vụ. Theo đó, mùa nào, thu hoạch gì là chúng tôi xuất khẩu cái đó. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất thô, mới chỉ qua sơ chế. Do vậy, giá trị kinh tế thấp".
Sắn lát được công ty TNHH MTV nông sản Nguyên Thảo sơ chế (phơi khô) chuẩn bị đóng gói xuất sang Lào
Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay là phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu. Theo lý giải của Công ty TNHH MTV nông sản Nguyên Thảo, xuất khẩu rau củ quả thường phải thu mua với số lượng lớn, hàng nghìn tấn. Trong khi đó, vùng sản xuất của nông dân Hà Tĩnh hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó để doanh nghiệp thực hiện thu mua. "Một container của chúng tôi từ 30 - 33 tấn, trong khi đó, một vùng sản xuất của bà con nông dân thường chỉ độ vài ba hec-ta, nhiều thì vài ba chục hec-ta. Nhiều khi thu mua không đủ để bù chi phí vận chuyển" - Chị Trần Hương Ly - trợ lý giám đốc Công ty TNHH MTV nông sản Nguyên Thảo cho hay.
Xuất thô lúa qua cảng biển Vũng Áng (Kỳ Anh)
Ngoài yếu tố sản xuất chưa tập trung, chưa chuyên canh thì chất lượng sản phẩm, bảo quản sản phẩm cũng đang là "rào cản" nông sản vươn ra thị trường nước ngoài. Hiện nay, nông dân chủ yếu trồng nhỏ lẻ, trồng theo phong trào, sản phẩm thường không đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến khó xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Yêu cầu trong xuất khẩu nông sản là sản xuất phải theo hướng chuyên canh, quy mô lớn, chất lượng ổn định. Nhưng hiện tại, địa phương khó để triển khai sản xuất theo hướng này vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hiện nay, Hà Tĩnh đang xây dựng chương trình OCOP để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nhằm hướng đến xuất khẩu. Một khi chương trình OCOP thành công thì con đường xuất ngoại của nông sản Hà Tĩnh sẽ đỡ chật vật hơn".