Nông sản Trung Quốc gắn mác nông sản Việt Nam, người Việt lãnh đủ

Việc khoai tây Trung Quốc “lột xác” đội mác khoai tây Đà Lạt (Lâm Đồng) đưa đi các địa phương tiêu thụ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn thương hiệu để xuất khẩu nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
 
nh-minh-họa.jpg

 Khai tây Trung Quốc '"lột xác" gắn mạc khoai tât Đà Lại (Lâm Đồng) gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất (ảnh minh họa) 

Trong 02 ngày 21 và 22/8, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh nông sản tại chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, phường 11, TP. Đà Lạt.

Đoàn kiểm tra phát hiện 02 cơ sở đã có hành vi mua khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc rồi nhuộm đất đỏ, giả nguồn gốc xuất xứ khoai tây Đà Lạt bán ra thị trường. Đoàn đã tạm giữ 1.500kg khoai tây Trung Quốc và 02 máy trộn đất đỏ dùng để nhuộm màu cho khoai, xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, sau khi thực hiện xong quy trình nhuộm đất đỏ, khoai tây sẽ được đóng gói và bán ra thị trường với giá khoảng 8.500 đồng/kg. Một trong hai cơ sở này cho biết, mỗi tháng cơ sở cung cấp từ 6 - 12 tấn khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ Đà Lạt về các chợ đầu mối tiêu thụ. 

Nguyên nhân là do khoai tây Đà Lạt giá cao gấp 2 - 3 lần khoai tây nhập từ Trung Quốc nên một số thương lái đã cố tình “lột xác”, biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bán ra thị trường ăn chênh lệch.

Không dừng lại ở mặt hàng khoai tây, nhiều mặt hàng khác như: cải thảo, cải cúc (tần ô), bắp sú, xà lách xoăn cũng bị tiểu thương nhập hàng Trung Quốc về Đà Lạt, thay nhãn mác, bao bì rồi chuyển xuống TP. HCM và các tỉnh khác bán với mác nông sản Đà Lạt. Nguồn cung tăng vượt cầu khiến nhiều mặt hàng tại một số vựa chuyên canh tác rau củ quả lớn của Lâm Đồng rớt giá, người trồng thì thu lỗ nặng.

Đơn Dương là huyện có diện tích hành tây, khoai tây, cà rốt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, bình thường giá khoai tây dao động từ 14.000-16.000 đồng/kg, hành tây, cà rốt cũng ở mức 11.000-15.000 đồng/kg. Vì cách phù phép nói trên mà hiện nay giá các mặt hàng trên giảm còn nửa giá, chỉ 7.000-8.000 đồng/kg dù đã hết mùa. Theo một số nhà vườn, hiện mỗi sào hành tây người trồng lỗ 3 triệu đồng.

Ông Lê Gia Bảo Quốc, ở phường 8, TP Đà Lạt tính nhẫm, nông dân canh tác 1 sào cà rốt, khoai tây hay xà lách xoăn... sau khi trừ chi phí mỗi năm còn lãi 250 triệu đồng. Nhưng hai năm trở lại đây người trồng thu lỗ nặng. Cách đây chưa lâu, đến ngày thu hoạch bắp sú và cải cúc, do giá thấp nhiều hộ dân phải “xé lòng” dùng thuốc xịt cho chết sạch rồi thuê máy cày dập lại xuống đất để chuẩn bị mùa vụ mới.

Tinh vi hơn, nhiều tư thương lấy đất ở Đà Lạt đem đi các tỉnh, thành khác để trộn với nông sản Trung Quốc rồi làm giả nhãn mác Đà Lạt, việc này rất khó kiểm soát nếu như tỉnh Lâm Đồng không quyết liệt phối hợp với các sở, ngành của địa phương khác để ngăn chặn.

Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai "Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt". Giải pháp này được kỳ vọng sẽ chống lại tình trạng nông sản Trung Quốc, trong đó có khoai tây, giả danh hàng Đà Lạt đưa đi tiêu thụ trên cả nước.

Đề án sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ khoai tây Đà Lạt hàng trăm ngàn bao bì được sản xuất theo mẫu mã riêng, có tem chống hàng giả, thùng đóng gói sản phẩm... Tổng kinh phí cho đề án là hơn 1 tỉ đồng, trong đó trên 70% được trích từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ đề án.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc tư thương nhập nông sản từ Trung Quốc về để giả mạo thương hiệu Đà Lạt đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý rất quyết liệt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các sở, ngành vẫn chưa tập trung và ngăn chặn hiệu quả.

thời gian tơi, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành ban hành quy chế quản lý chợ đầu mối nông sản Đà Lạt; cử cán bộ giám sát liên tục từ các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng..., nếu phát hiện các tư thương nhập hàng Trung Quốc giả danh nông sản Đà Lạt sẽ xử lý nghiêm,  ông Phạm S cho biết thêm.

Việc các mặt hàng nông sản của Trung Quốc “lột xác” dán mác các mặt hàng nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân sản xuất tại Lâm Đồng nói riêng, người sản xuất cả nước nói chung mà còn làm lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng tới thương hiệu các mặt hàng nông sản của Đà Lạt và cả Việt Nam.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để kịp thời ngăn chặn chình trạng nông sản Trung Quốc “lột xác” gắn mác nông sản Việt Nam gây thiệt hại nằng cho nền kinh tế. 

 Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn