Nông sản Việt đang bị ép!

Với kim ngạch trên 27,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 10,6 tỷ USD, sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta năm 2012 đã đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và xã hội. Đó là kỳ tích, là sự cố gắng của ngành nông nghiệp và của trên 50 triệu lao động nông - lâm - ngư nghiệp.
Tuy vậy, những điểm yếu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta cũng lộ rõ: sản xuất manh mún nhưng quy hoạch luôn bị phá vỡ; năng suất chưa cao do hàm lượng khoa học công nghệ và áp dụng cơ giới còn hạn chế; chất lượng sản phẩm thấp do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; chưa đồng bộ trong chỉ đạo sản xuất với thị trường... Về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất bởi gần, không khắt khe về chất lượng và dân số đông; công tác quảng bá và tiếp thị chưa tốt, chủ yếu bán nguyên liệu thô,... Tất cả những điều đó khiến lợi nhuận của người sản xuất rất thấp dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, như: mua tạm trữ lúa gạo, càphê,...

Khi những điểm yếu trên chưa được khắc phục thì có thông tin: Trung Quốc triển khai chiến lược phát triển càphê, cao su, tiêu và nhiều nông sản nhiệt đới trên diện tích lớn (Vân Nam trở thành thủ phủ càphê của Trung Quốc với sản lượng 28.000 tấn/năm; diện tích hồ tiêu được mở rộng tại đảo Hải Nam; toàn bộ các tỉnh biên giới phía Nam của Trung Quốc và phía Bắc Lào được nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng diện tích cao su; liên doanh với các hãng lớn để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao,...); nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ và EU đang tìm cơ hội và đối tác để tăng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào Việt Nam... Lúa gạo, sản phẩm quan trọng của ta cũng đang bị cạnh tranh gay gắt, giá gạo của ta dù đã rất thấp, có chuyên gia cho rằng, thấp nhất thế giới nhưng vẫn ế!... Tất cả những điều đó cho thấy nông sản của ta đang bị ép.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành, nâng cao thu nhập cho người sản xuất - nhà nông, cần sớm điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Trước hết, cần có chính sách để không phụ thuộc vào một thị trường. Muốn làm được điều này, cần nâng cao chất lượng nông sản, để không bán cho thị trường Trung Quốc thì vẫn bán được cho các thị trường khác. Sản xuất rau quả những năm qua đã làm tốt việc này. Thứ hai, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới. Thứ ba, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao (1kg càphê nhân của ta hiện bán với giá 2USD, bằng giá 1 ly càphê ở nhiều nước, trong khi 1kg càphê nhân có thể pha chế được 50 ly). Thứ tư, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc áp dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống, quy trình chăm sóc, nuôi trồng. Thứ năm, tổ chức lại để tạo mối liên kết chặt chẽ, hài hoà lợi ích giữa nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà khoa học.

Thách thức không chỉ là khó khăn mà còn là cơ hội nếu chúng ta có chính sách, giải pháp và bước đi phù hợp, nhiều chuyên gia khẳng định.
Theo Kinhtenongthon.vn