Nông sản Việt dò dẫm sang Nga: Cửa mở rộng vẫn....khó!
- Thứ hai - 15/09/2014 22:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công thương nêu quan điểm về khả năng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga khi nhu cầu của Nga đang tăng cao do nguyên nhân xuất phát từ lệnh cấm vận giữa Nga và các nước thuộc liên minh Châu Âu EU và Mỹ.
Chất lượng không đảm bảo
PV: - Việt Nam - Nga đã đạt nhiều thỏa thuận trong việc Việt Nam xuất khẩu hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thị trường Nga trong thời gian tới, theo ông điều này mở ra những cơ hội như thế nào cho xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam? Đại diện của Nga đánh giá chất lượng hàng nông sản của Việt Nam chưa cao, thậm chí cho biết không đạt chất lượng, theo đánh giá của ông thực chất hàng hóa của Việt Nam được đánh giá ở mức độ nào?
TS Lê Quốc Phương: - Hiện nay Nga là thị trường lớn, với trên 143 triệu người tiêu dùng, nhu cầu khá lớn, tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển, GDP khoảng 1.500 tỷ USD.
Hiện nay do tình hình tại Ukraine, Mỹ và EU thực hiện chính sách cấm vận đối với Nga, Nga cũng trả đũa lại bằng việc không nhập khẩu hàng nông sản từ các nước EU trong khi Nga nước nông nghiệp tương đối yếu phải nhập khẩu chủ yếu nông lâm, thủy sản, xuất khẩu chính là dầu lửa nên khi EU, Mỹ cấm vận, Nga trả đũa lại không nhập khẩu Nga không có hàng hóa. Vì vậy để bù đắp lượng thiếu hụt Nga đã quay sang các nước khác để nhập khẩu trong đó có Việt Nam. Đây là những cơ hội mở ra cho Việt Nam.
Về hàng hóa của Việt Nam, đánh giá từ phía Nga như trên là hoàn toàn có căn cứ và cơ sở do sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, không sản xuất lớn, sản xuất đồng bộ nên chất lượng không đồng đều, không chuẩn. Mỗi hộ gia đình sản xuất và đưa ra những sản phẩm với chất lượng khác nhau.
Dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số mặt hàng nông sản, thủy sản như xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, cà phê thứ 2, thủy sản cũng ở thứ 5-6 nhưng do nhiều yếu tố trong đó yếu tố quan trọng là chúng ta vẫn chưa đưa mục tiêu chất lượng hàng đầu, vẫn đưa ra mục tiêu, chạy theo số lượng và bán giá thấp là chính nên chất lượng của sản phẩm không đồng đều, không đạt được những tiêu chuẩn.
Lệnh cấm vận giữa Nga và EU, Mỹ mở ra cơ hội đối với Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu nông lâm thủy sản |
Trong khi đó Nga là thị trường yêu cầu chất lượng rất chặt chẽ. Đây là một trong những vướng mắc giữa Việt Nam và Nga trong vấn đề xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản này.
Hiện nay chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng nông sản, gạo... yêu cầu của họ tương đối thấp, đặc biệt xuất khẩu tiểu ngạch nhưng khi xuất khẩu sang Nga thì rất khó vì yêu cầu chất lượng của Nga rất cao hoặc sản phẩm không phù hợp. Ví dụ Nga dùng lúa mì nhưng Việt Nam lại xuất khẩu gạo là chính, chúng ta không sản xuất lúa mì. Cà phê xuất khẩu thứ 2 thế giới nhưng cà phê của chúng ta lại không đạt tiêu chuẩn của họ. Cho nên giữa 2 bên rất cần nhau nhưng cái họ cần chúng ta không có, cái chúng ta có họ không cần hoặc không đạt tiêu chuẩn của họ.
PV: - Đặc biệt, mặt hàng thủy sản được đánh giá là có nhiều triển vọng tăng mạnh xuất khẩu vào Nga, đồng thời mới đây Nga cũng cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu lại trong khi hồi dầu năm 2014 Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản của Việt Nam.
Trong khi đó, vấn đề chất lượng, giá cả vẫn đặt ra với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam cụ thể là việc dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, bán phá giá.... Xin ông cho biết, để duy trì giao thương với Nga doanh nghiệp Việt phải làm thế nào?
TS Lê Quốc Phương: - Tương tự như các mặt hàng nông sản, lúa gạo chất lượng sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng thấp do quá trình nuôi trồng thủy hải sản của cũng vẫn là nhỏ lẻ. Mỗi gia đình vẫn nuôi tôm, cá trong các ao, các hồ nuôi theo hộ gia đình và khâu kiểm soát chất lượng, đặc biệt dư lượng kháng sinh rất yếu. Chúng ta đã bị rất nhiều nước khi kiểm soát chặt chẽ không chấp nhận mà Nga có yêu cầu rất cao nên đáp ứng của chúng ta cho thị trường Nga là khó.
Muốn xuất khẩu sang thị trường Nga phải đặt mục tiêu kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng khá sinh… lên hàng đầu, đòi hỏi sản xuất với quy mô lớn, kiểm tra chất lượng sản phẩm chặt chẽ ở nhiều khâu.
PV: - Ngoài ra, một tồn tại nữa trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là việc các doanh nghiệp thu mua từ người nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản trong trường hợp Trung Quốc thu gom ồ ạt với giá cao, sẵn sàng bán cho thương lái Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Sắp tới, sẽ có biện pháp nào để hạn chế điều này, thưa ông?
TS Lê Quốc Phương: - Điểm yếu của chúng ta hiện nay không chỉ trong khâu sản xuất như tôi vừa nói mà điểm yếu cả ở khâu thu mua, vận tải, phân phối. Tại sao có hiện tượng thương lái Trung Quốc thu gom và nông dân sẵn sàng bán cho họ với giá cao bất chấp việc làm này có thể ảnh hưởng đến nguyên liệu chế biến tôm tại các nhà máy xuất khẩu vì thương lái Trung Quốc làm hoạt động thu mua tốt hơn chúng ta. Thương lái Trung Quốc thanh toán nhanh và họ cũng rất sòng phẳng nên chiếm được lợi thế nên chúng ta khó ngăn chặn được họ vì chúng ta yếu hơn.
Theo tôi để xử lý chúng ta phải làm sao nâng cao chất lượng khâu thu mua để tránh câu chuyện thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và quan trọng là việc rủi ro lớn như bất ngờ ngừng thu mua, dùng nhiều chiêu trò.
Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam hầu hết chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu từ phía Nga |
Riêng khâu thu gom, cái khó khăn lớn vẫn nằm ở việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên để đảm bảo những hợp đồng lớn với Nga là khó khăn. Tuy nhiên vẫn có thể giải quyết được bằng cách thông qua các tổng công ty lớn chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn thu ổn định về mặt chất lượng, số lượng không giao cho các doanh nghiệp nhỏ vì sẽ dễ có rủi ro.
Có những đầu mối tương đối lớn chịu trách nhiệm đảm bảo phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm để đối tác Nga tin tưởng, tránh hiện tượng những đơn vị nhỏ lẻ làm không đảm bảo uy tín, đảm bảo hợp đồng. Trong quan hệ thương mại vấn đề tạo lòng tin cực kỳ quan trọng.
Thông tin mù mờ
PV: - Nông sản Việt Nam đang đứng trước bài toán giảm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thay đổi tư duy bán rẻ, bán thô liệu đây có phải là cứu cánh cho xuất khẩu nông sản Việt Nam và là thời điểm thích hợp để giảm phụ thuộc vào một thị trường hay không, thưa ông?
TS Lê Quốc Phương: - Vừa qua qua sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông chúng ta mới thấy việc phụ thuộc vào 1 hoặc 1 vài thị trường rất khó khăn. Vấn đề này nêu ra rất nhiều nhưng chúng ta chưa làm được vì buôn bán với 1 vài thị trường lớn đơn giản hơn là đi tìm rất nhiều thị trường, với nhiều thị trường nhỏ, cả vấn đề khó khăn, tìm kiếm không hề đơn giản, tạo được lòng tin tiếp không đơn giản.
Vừa qua chúng ta đã nghĩ và nói nhiều về rủi ro tuy nhiên để làm được nhiều thị trường câu chuyện đòi hỏi nỗ lực lớn từ cả nhà nước và doanh nghiệp tìm kiếm nghiên cứu tiếp cận và duy trì lâu dài. Đa dạng là chính nhưng nói rất dễ nhưng làm thì khó. Theo tôi vấn đề xuất khẩu với Nga chưa thể gọi gọi là “cứu cánh” được, chúng ta có thể gọi là cơ hội nhưng cơ hội đến trong khi những điều kiện của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi từ Nga, như tôi đã phân tích ở trên.
PV: - Việc đa dạng thị trường và tìm kiếm thị trường hiện nay khó khăn vấn đề mà nhiều doanh nghiệp nêu ra là việc tiếp cận thông tin, phụ trách vấn đề thông tin ông đánh giá thế nào về hỗ trợ của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại? Tại sao thông tin về các thị trường hầu hết các doanh nghiệp đề rất mù mờ?
TS Lê Quốc Phương: - Để tìm hiểu thị trường thông tin là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp của chúng ta rất thiếu thông tin đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi vấn đề thông tin nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ nhưng chúng ta làm chưa tốt.
Tôi nghĩ để đa dạng hóa được thị trường, câu chuyện cung cấp thông tin là câu chuyện phải được nâng cao, phía Trung tâm thông tin cũng có những khó khăn nhất định, có cung cấp cho doanh nghiệp nhưng chủ yếu vẫn là cơ quan quản lý nhà nước là chính, doanh nghiệp chỉ 1 phần và chưa nhiều như mong muốn. Chúng tôi nhận trách nhiệm về sự thiếu xót của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
theo: http://baodatviet.vn/