Nông sản chất lượng khó vào siêu thị: Vì sao?

Nông sản chất lượng khó vào siêu thị: Vì sao?
Có thể khẳng định, đặc sản vùng miền thông qua hệ thống siêu thị đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều và khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc nông sản Việt khó vào siêu thị đang là thực tế tồn tại hiện nay.

Đâu là nguyên do của tình trạng này? Cần phải làm gì để nông sản Việt dễ dàng hơn vào các kênh phân phối hiện đại?

t7s.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn tại siêu thị.

Trả giá thấp, mua số lượng ít

Từ khi hợp tác xã (HTX) kiểu mới ra đời đến nay, việc kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa siêu thị với doanh nghiệp, HTX để cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều, các bên cùng có lợi. Song, vẫn còn nhiều bất cập, các bên cần phải ngồi lại với nhau và tìm tiếng nói chung.

Ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn Thanh Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) cho biết, HTX của ông gần chân núi Tam Đảo nên thuận lợi cho việc trồng các loại rau, củ, quả là đặc sản của địa phương như: su su, cải ngọt, ớt xanh, ớt ngọt, dưa chuột… cung cấp cho Vingroup.

Theo đó, trước khi ký hợp đồng, Vingroup đi khảo sát nguồn đất, nước, lấy các mẫu rau đi xét nghiệm, ròng rã 3 tháng trời mới xong; tiếp đến lại tập huấn cho nông dân 3 tháng về sản xuất rau VietGAP. Chưa kể, còn có cán bộ khuyến nông Tam Đảo hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái trên mô hình trình diễn 1ha (su hào, bắp cải), theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và còn hỗ trợ hạt giống, phân bón, thuốc BVTV vi sinh. 

Mặc dù quy trình phức tạp nhưng cái được của người trồng rau VietGAP rất lớn, giá bán so với bên ngoài tăng gấp đôi. Rau sau khi thu hoạch về được sơ chế, bảo quản trong kho lạnh và dán tem mác trước khi đến tay người tiêu dùng. Trồng rau VietGAPcó thu nhập khá ổn định (các thành viên 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; Ban quản trị 6-7,5 triệu đồng/người/tháng), song, cái khó là, HTX phải ký hợp đồng sản xuất với nông dân ngay từ đầu vụ và cam kết thu mua giá cao hơn so với thị trường.

“Ngoài Vingroup, HTX cũng ký hợp đồng với các siêu thị ở Hà Nội như: Big C, Co.opmart, Qmart (Công ty TNHH T&T Consumer - Tập đoàn T&T), nhưng mỗi ngày các siêu thị chỉ nhập không quá 200kg rau, tương đương với 20% sản lượng, một con số quá nhỏ, không đủ chi phí sản xuất”, ông Cải chia sẻ.

Ông Hứa Văn Đèn, Tổ trưởng Tổ sản xuất na VietGAP, thị trấn Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng cho biết, hiện, việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na một cách ổn định là khó nhất. Vụ na năm nay, để tìm đầu ra cho gia đình và bà con trong tổ, ông đã xuống Hà Nội, làm việc với ông Nguyễn Tiến Nguyện, cán bộ phụ trách hoa quả Siêu thị T.mart, song, siêu thị thu mua với giá thấp và số lượng ít, mỗi lần chỉ lấy 1-2 tạ, với giá 37.000 đồng/kg, chưa đủ kinh phí cho việc vận chuyển cũng như sản xuất.

“Để na Chi Lăng xuống được Hà Nội, chúng tôi phải chịu các chi phí như: hộp xốp đóng gói na, tem mác sản phẩm và cước vận chuyển. Trong khi đó, giá bán trung bình tại Chi Lăng cũng đã 40.000 đồng/kg, na đẹp 60.000-70.000 đồng/kg”, ông Đèn cho biết.  

Tương tự, ông Nguyễn Trí Tuấn, cán bộ phụ trách HTX Dịch vụ và sản xuất Nông nghiệp Quang Lang, huyện Chi Lăng, cũng cho biết. Trong Tuần lễ giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng tại Hà Nội vừa qua, HTX xã của ông  tiêu thụ được 2 tấn na. Số lượng tuy không lớn, song, bù lại, ông đã tìm được bạn hàng là một siêu thị (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro), họ đến gian hàng của HTX xã và mua 2 tạ về bán tại siêu thị, với giá 60.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này HTX chưa có lãi, vì đây là na đầu dòng (na gốc), quả to, đẹp, mua tại vườn đã 60.000 - 65.000 đồng/kg, nhưng vì để làm quen với bạn hàng mới, nên ông chấp nhận bán hòa vốn. Mặt khác, thời gian gần đây, nhờ được quảng bá ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Lạng Sơn và Trung ương, HTX đã có thêm một số khách hàng mới  ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và ngay tại Lạng Sơn.

t7.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường với bà con Tổ sản xuất na GlobalGAP.

Cần sự hợp tác giữa các bên 

Việc đưa nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán…

Bà Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, các HTX đã sản xuất tốt, song về mặt kinh doanh còn yếu. Đặc biệt, cần phải bảo quản tốt sau thu hoạch, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng, đó là điều mấu chốt mà chúng tôi quan tâm. Riêng mặt hàng na, khó bày bán trong siêu thị, do đòi hỏi phải bảo quản tốt, buổi sáng đang tươi xanh, nhưng chiều đã bắt đầu thâm vỏ, dẫn đến hỏng và khó tiêu thụ.

Theo bà Hậu, các HTX muốn đưa hàng vào siêu thị nói chung và Fivimart nói riêng, cần phải tuân thủ những quy định về mặt pháp lý, tức là phải có đầy đủ các loại giấy tờ quy định và giấy chứng nhận cho sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP.

“Mặt khác, giải pháp để hợp tác lâu dài là, các địa phương cần quan tâm đến vùng sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản. Đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng; và phải thường xuyên cập nhật kiến thức sản xuất, kinh doanh cho các HTX. Chấp hành nghiêm ngặt quy định của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất; thực hiện cam kết chung giữa các bên”, bà Hậu cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng, cho biết, sản lượng na năm 2018 của Chi Lăng ước đạt 15.000 tấn, đã thu hoạch khoảng 10.000 tấn; chủ yếu được thương nhân Trung Quốc sang thu mua (chiếm khoảng 60%), số còn lại bán trong nước. Hiện, đã có 2 đơn vị: HTX Nông sản huyện Chi Lăng và HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Quang Lang đang xúc tiến việc tiêu thụ na tại các siêu thị ở Hà Nội và địa phương trong vùng.

Theo ông Tuấn, năm 2018, để giúp người dân thay đổi tư duy làm ăn, sản phẩm rõ nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện tiếp tục cấp phát bao bì, tem nhãn theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản phẩm an toàn cho 27.000 tấn na (theo dự kiến). Trong đó, chuẩn VietGAP 1.500 tấn, GlobalGAP 48 tấn và trên 25.400 tấn còn lại cam kết sản xuất an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đâu là giải pháp?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nhiều nông sản chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí không theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy, về cảm quan có thể được coi là hàng ngon, hàng đẹp, nhưng do không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị… Điều đó làm cho hàng sạch, hàng ngon chưa vào được siêu thị để phục vụ người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, các địa phương cần chủ động có giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi... Ngoài ra, công tác kết nối cung - cầu cũng cần chặt chẽ hơn.Cần nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất có thể dễ dàng tìm kiếm, kết nối thương mại.

Các nhà chuyên môn cũng cho rằng, để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...

 

 Dương An Như/kinhtenongthon.vn